Dân cung cấp hình ảnh phạt nguội bị “làm khó”

Với cách thức thủ công, rườm rà thì chủ trương tiếp nhận hình ảnh, clip người dân ghi hình vi phạm giao thông để phạt nguội khó khả thi.

Một thanh niên dùng điện thoại ghi lại hình ảnh vi phạm giao thông tại giao lộ Lê Văn Việt - Hoàng Hữu Nam (Q 9, TP HCM) ngày 6/8. Ảnh: Vĩnh Phú
Một thanh niên dùng điện thoại ghi lại hình ảnh vi phạm giao thông tại giao lộ Lê Văn Việt - Hoàng Hữu Nam (Q 9, TP HCM) ngày 6/8. Ảnh: Vĩnh Phú

Từ ngày 1/8, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP HCM tổ chức tiếp nhận hình ảnh, clip người dân ghi hình các phương tiện có dấu hiệu vi phạm Luật GTĐB để làm cơ sở xử lý vi phạm (phạt nguội). Việc này được kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức người tham gia giao thông, hạn chế được vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên, với cách thức tiếp nhận thủ công, rườm rà thì chủ trương trên khó khả thi.

Phải đến trực tiếp trụ sở phòng CSGT

Theo quy định của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP HCM, người dân muốn cung cấp hình ảnh vi phạm Luật GTĐB phải đến trực tiếp trụ sở đơn vị để cung cấp.

Sáng 5/8, PV Báo Giao thông đã đến trực tiếp Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP HCM (số 341 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1) để cung cấp hình ảnh, clip người đi xe máy vi phạm Luật GTĐB trên QL1 đoạn qua quận Thủ Đức. Những hình ảnh này được chúng tôi chụp và quay bằng điện thoại iPhone 5. Khi gặp trực ban và trình bày việc cung cấp hình ảnh các phương tiện vi phạm, PV được hướng dẫn vào phòng tiếp dân ngồi đợi.

“Để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông, dự thảo Nghị định 46 (đang được nghiên cứu) bổ sung quy định sử dụng thông tin hình ảnh thu được từ thiết bị ghi hình của tổ chức, cá nhân cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm.

Hiện các lực lượng chức năng đang sử dụng hình ảnh do người dân cung cấp để làm cơ sở mời chủ phương tiện hợp tác xác minh người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm. Trên cơ sở đó, làm việc với người có hành vi vi phạm, yêu cầu họ xác nhận và ký biên bản làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
Thời gian qua, một số clip quay cảnh xe ô tô dừng đỗ, lùi, bắt khách trên cao tốc mà người dân cung cấp đã được Cục CSGT xử lý. Tương tự, một số hành vi khác được người dân cung cấp hình ảnh cũng đã được CSGT một số địa phương sử dụng làm căn cứ để xác minh và xử lý, dù máy ảnh hay camera hành trình không phải là thiết bị được kiểm định.”

Ngay sau đó, Tổ công tác gồm 3 chiến sĩ CSGT với đầy đủ thiết bị gồm: Máy tính, các thiết bị kết nối USB kết nối đầu vào, camera cầm tay (ghi hình buổi làm việc) tiến hành tiếp nhận. Khi bắt đầu làm việc, PV được yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân và điền vào biên bản trình bày nội dung vụ việc về địa điểm, thời gian ghi hình. PV đã cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Tổ CSGT.

Tuy nhiên, khi đến khâu quan trọng nhất là chuyển hình ảnh từ điện thoại sang máy tính của CSGT lại gặp “trục trặc” do không thể kết nối vì không đồng bộ hệ thống. Sau đó, Tổ công tác đề xuất gửi thông tin hình ảnh qua e-mail của Phòng PC08. “Sau khi tiếp nhận hình ảnh, tổ xử lý sẽ phân tích hình ảnh bộ phận nghiệp vụ sẽ sàng lọc, xác minh phương tiện vi phạm để tiếp tục xử lý”, một cán bộ Tổ công tác cho hay.

Sau đó, PV đã về nhà và gửi hình ảnh qua hộp thư điện tử có địa chỉ: csgt-dbds.ca@tphcm.gov.vn nhưng hộp thư điện tử báo lại: “hộp thư bạn gởi đã đầy do nhận quá nhiều thư”… Giải thích việc này, một cán bộ CSGT cho biết, thời gian qua, hộp thư nhận quá nhiều thư gửi đến và các bộ chuyên môn đang xử lý…

Ông Nguyễn Văn Bé, hành nghề xe ôm tại khu vực chợ Bến Thành, quận 1 cho biết, do đặc thù của công việc, thường ngày ông chứng kiến rất nhiều vi phạm diễn ra. Để ghi lại những hình ảnh này và cung cấp cho CSGT xử phạt là việc không khó, nhưng nếu phải đến trực tiếp thì ông sẽ không đến, bởi ông không có thời gian.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Phụng (nhà ở quận Thủ Đức) cho biết, việc CSGT triển khai nhiều biện pháp xử lý vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB là ý tưởng rất hay, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, khi muốn cung cấp hình ảnh phải mang đến tận trụ sở của Phòng CSGT làm thủ tục lập hồ sơ giao nộp rất mất thời gian của người dân.

“Nhà tôi ở Thủ Đức nên không thể bỏ công việc trong giờ hành chính vượt hơn 20km để đến nơi cung cấp hình ảnh cho CSGT. Để việc cung cấp hình ảnh được thuận tiện và khuyến khích người dân tham gia tôi nghĩ cần mở thêm tương tác qua trang mạng xã hội hoặc hộp thư điện tử là tiện nhất. Giờ là thời đại công nghệ 4.0, chúng ta không thể làm một cách thủ công như thế, vừa mất thời gian, vừa không mang lại hiệu quả vì chắc chắn nhiều người dân sẽ chẳng mặn mà gì…”, anh Phụng đề xuất.

Mục đích cao nhất là tuyên truyền, nâng cao ý thức

Keyword đầu tiên có dấu

Dự thảo Nghị định 46 sửa đổi đã bổ sung quy định sử dụng thông tin, hình ảnh của tổ chức, cá nhân làm căn cứ xác định vi phạm thay vì chỉ thông qua phương tiện nghiệp vụ của lực lượng chức năng (Trong ảnh: Cảnh sát hóa trang, đứng trên đường vành đai 3 ghi hình xe vi phạm trên đường Phạm Hùng, Hà Nội). Ảnh: Văn Huế

Những băn khoăn của anh Phụng cũng là băn khoăn chung của nhiều người dân thành phố, bởi họ cho rằng, nếu yêu cầu người dân phải đến tận Phòng CSGT để cung cấp thông tin mà không nhận qua hình thức khác như mạng xã hội và hộp thư điện tử… thì có lẽ sẽ rất ít người muốn cung cấp.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC08 Công an TP HCM cho biết, hiện nay Phòng vẫn xác định xử phạt qua hình ảnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo giao thông và xử phạt vi phạm qua hình ảnh luôn được lực lượng CSGT xem là giải pháp trọng tâm. Việc CSGT đã đồng loạt triển khai việc sử dụng camera ghi hình để xử lý vi phạm giao thông bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

“Tuy nhiên, để công việc này hiệu quả hơn, chúng tôi mở ra phương án người dân cùng tham gia ghi hình những phương tiện vi phạm và chúng tôi rất trân trọng những hình ảnh này. Chúng tôi sẽ vừa làm vừa chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của người dân và các cơ quan báo chí. Chúng tôi vẫn tiếp nhận những thông tin hình ảnh này qua thư điện tử và sẽ phối hợp xác minh theo yêu cầu của người gửi. Đối với các trường hợp đặc biệt, phức tạp chúng tôi sẽ chủ động làm rõ, còn các trường hợp vi phạm khác CSGT sẽ ghi nhận, xem đây là cơ sở để Phòng rà soát, bố trí lực lượng tại các khu vực người dân ghi hình phản ánh để tăng cường xử lý thực tế tại chỗ…”, Thượng tá Phong nói.

Về căn cứ pháp lý để tiến hành xử phạt vi phạm thông qua hình ảnh mà người dân cung cấp cho CSGT, Thượng tá Huỳnh Trung Phong thông tin, việc này được sự cho phép của Ban giám đốc Công an TP HCM nên Phòng PC 08 làm thí điểm. Mục đích cao nhất là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về ATGT.

Về quy trình xử lý, sau khi tiếp nhận những hình ảnh và clip mà người dân cung cấp, PC08 sẽ căn cứ vào đó để xác minh và xử phạt nguội. Theo Thượng tá Phong, những hình ảnh, clip người dân quay cần rõ ràng, liên tục, không cắt ghép. Nội dung thể hiện rõ thời gian, địa điểm, biển số xe vi phạm. Sau khi tiếp nhận, bộ phận nghiệp vụ sẽ sàng lọc, xác minh phương tiện vi phạm; mời người vi phạm lên lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt. Nếu chủ các phương tiện không chấp hành, CSGT sẽ phối hợp với đơn vị chức năng liên quan như công an các quận huyện sẽ có biện pháp, chế tài mạnh khác để xử lý những trường hợp này.

Gần 1 tuần, chỉ có... 1 người dân cung cấp

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu PC08 Công an TP HCM cho biết, tính từ ngày 1 đến sáng 6/8, chỉ duy nhất 1 người dân đến cung cấp thông tin (chính là trường hợp PV Báo Giao thông trong sáng 5/8).

Lý giải về việc yêu cầu người dân phải trực tiếp đến cung cấp tại Phòng CSGT, Trung tá Bình cho biết, điều này nhằm tránh các trường hợp thắc mắc khiếu kiện, khiếu nại sau này của người vi phạm. Khi cần thiết, PC08 sẽ mời người cung cấp lên để chứng kiến. Còn nếu triển khai việc tiếp nhận qua mạng xã hội, khi có phát sinh tình huống, nếu người cung cấp tắt, đóng trang cá nhân, từ chối, né tránh việc làm chứng thì lực lượng chức năng sẽ không đủ yếu tố xác minh, đấu tranh, thuyết phục người vi phạm chấp hành các hình thức xử phạt được…

Cũng theo Trung tá Bình, việc PV phản ánh thiết bị chưa đồng bộ, PC08 sẽ cho kiểm tra lại và cài đặt hệ thống phần mềm đa dạng hơn để nhận được hình ảnh và clip người dân cung cấp. Tuy nhiên, hình ảnh và clip các phương tiện vi phạm phải hội đủ các yếu tố như sau mới xử lý được người vị phạm: Phải thể hiện rõ thời gian và địa điểm ghi hình; Phương tiện phải rõ biển số và nếu được rõ người điều khiển phương tiện vi phạm càng tốt… V.Phú

Hà Nội: Công an tiếp nhận xử lý hình ảnh vi phạm giao thông qua fanpage

Keyword đầu tiên có dấu

Fanpage chính thức của CATP Hà Nội có địa chỉ: www.facebook.com/CongAnThuDo

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại uý Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, ngoài việc xử phạt vi phạm qua hình ảnh từ hệ thống camera giám sát trong thành phố, Phòng CSGT Hà Nội vẫn đang tiếp nhận thông tin, hình ảnh mà người dân quay chụp được và gửi đến, từ đó xác minh, xử lý theo quy định.

Theo đó, ngoài đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24h, hiện nay Cổng Thông tin điện tử Công an TP Hà Nội và trang fanpage trên Facebook cũng tiếp nhận mọi thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông mà người dân quay, chụp rồi gửi tới. Từ những hình ảnh, video vi phạm giao thông của người dân, Công an TP Hà Nội sẽ tiến hành phân loại những vi phạm, sau đó chuyển về Phòng CSGT để xác minh, làm căn cứ xử lý.

Theo quy trình, căn cứ vào thông tin của Công an TP Hà Nội, Phòng CSGT sẽ tiến hành tra cứu biển số, xác minh chủ phương tiện, sau đó mời chủ phương tiện lên làm việc. Khi đó, CSGT sẽ cho chủ phương tiện xem lại hình ảnh vi phạm, đồng thời tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử lý tương ứng với hành vi vi phạm.

“Gần 2 tháng nay, Cổng Thông tin điện tử Công an TP Hà Nội và trang fanpage nhận được rất nhiều phản ánh vi phạm giao thông, vi phạm an ninh trật tự. Những đóng góp này của người dân vào công tác đảm bảo TTATGT là rất hiệu quả. Trang fanpage điện tử Công an TP Hà Nội có cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, đồng thời xử lý theo yêu cầu của người dân”, Đại uý Hoàng nhìn nhận.

Đại uý Hoàng cho biết thêm, tại các đội, trạm CSGT trên địa bàn, người dân quay, chụp được hình ảnh vi phạm có thể chuyển cho lực lượng CSGT địa bàn để xử lý theo qui định. Khi tiếp nhận thông tin hình ảnh, video này, các đội, trạm CSGT trên địa bàn sẽ tiếp nhận như một tin báo và có trách nhiệm xác minh, nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành xử lý.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.