“Dở khóc, dở cười”
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương Thuý trú tại tầng 4, CT6A (chung cư Bemes) do Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư có ý định vay tiền ngân hàng nên đã gửi hồ sơ đề nghị đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (Sở TNMT Hà Nội). Tuy nhiên, Văn phòng thông báo, tháng 1/2019 Sở TN&MT đã có quyết định về việc thu hồi và huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho căn hộ trước đó. Do vậy, việc thực hiện đăng ký thế chấp tại ngân hàng không đủ điều kiện để được giải quyết.
Tại thông báo này, Văn phòng đăng ký đất đai cũng cho hay sẽ lưu trữ toàn bộ hồ sơ cấp sổ đỏ căn hộ của vợ chồng chị Thúy và sẽ thực hiện cấp ngay sổ đỏ sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý xây dựng chấp thuận đối với các tầng vượt so với quy hoạch, các tầng tự ý chuyển đổi công năng (tầng 2,3,4) và phần cầu nối giữa toà CT6A, CT6B chủ đầu tư đã tự ý chuyển thành căn hộ theo quy định.
Ông Bùi Thanh Bình - Tổ phó Tổ dân phố số 17 phường Kiến Hưng (đồng thời là chủ căn hộ 407, tầng 4 tòa nhà CT6A - PV) cho biết, sau khi cư dân vào ở mới biết theo thiết kế, tầng 2, 3, 4 của tòa nhà CT6A được sử dụng làm không gian dịch vụ, trung tâm thương mại của chung cư Bemes. Tuy nhiên, tầng 4 vẫn được chủ đầu tư xây dựng thành dạng nhà ở với 22 căn hộ và bán cho người dân từ năm 2013.
“Gia đình tôi và các hộ dân tầng 4 của tòa nhà cũng đã được cấp sổ đỏ như các hộ dân ở tầng khác. Tuy nhiên, tầng 2 của các tòa CT6A, CT6B và toàn bộ tòa CT6C người dân chưa được cấp sổ đỏ…”, ông Bình thông tin.
Theo ông Bình, nhiều hộ dân tại tầng 4, tòa CT6A chung cư Bemes, cũng nhận được thông báo tương tự khi mang giấy tờ đi công chứng quyền sở hữu nhà ở và tài sản.
“Người dân rất bất ngờ trước quyết định thu hồi này. Khi mua căn hộ tại đây người dân không biết tầng 4 đổ xuống là khu thương mại không dành cho nhà ở. Hiện tại, chúng tôi muốn giao dịch mua bán, chuyển đổi đều rất khó khăn. Chúng tôi không có gì chứng minh mình là chủ nhân của ngôi nhà này” - một cư dân tầng 4, toà CT6A cho biết.
|
Ông Lê Phong Hoàn - Tổ trưởng Tổ dân phố 18 gồm tòa nhà CT6B, CT6C cho biết, từ rất lâu ông đã “gánh” trên vai trách nhiệm đại diện người dân nơi đây kiến nghị lên các cấp chính quyền nguyện vọng được cấp sổ đỏ cho ngôi nhà của họ. “Không chỉ các kỳ tiếp xúc cử tri, kỳ họp HĐND, mà hôm nào họp có lãnh đạo phường, quận tôi cũng phát biểu một nội dung như vậy. Nhưng mãi vẫn không có kết quả”, ông Hoàn thở dài.
Ông Hoàn cho biết, tòa nhà CT6C có khoảng 450 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu chưa có sổ đỏ. Các tòa CT6B, CT6A có nhà đã có sổ, cũng có nhà chưa được cấp cụ thể: Riêng tầng 2 của các tòa nhà CT6A, CT6B, CT6C trước đây là trung tâm siêu thị, sau khi được chủ đầu tư, quây lại xây dựng thành các “chung cư mi ni” đã có khoảng 200 “chung cư mi ni” ra đời tại tầng 2 để bán cho các hộ dân.
“Diện tích các căn tầng 2 của các tòa nhà đều nhỏ bởi chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng sử dụng, khiến các phòng thiếu tiện ích của một chung cư như: Ánh sáng tự nhiên không có phải thắp điện suốt ngày đêm, không có không gian chung, phơi quần áo ra hành lang… và đặc biệt chưa cấp được sổ đỏ”, ông Lê Phong Hoàn thông tin.
Sở thiếu nhất quán, quận bế tắc
Trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 15/7 về những vấn đề trên, Phó Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận Hà Đông (TP Hà Nội) Vũ Ngọc Phụng cho biết, việc cấp hay thu hồi thuộc về thẩm quyền của thành phố. Sự việc trên thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã vào cuộc, thành phố quy định như thế nào thì quận thực hiện như vậy.
Nói về quan điểm của quận Hà Đông, Chủ tịch UBND quận Vũ Ngọc Phụng cho rằng, chủ đầu tư xây dựng nhà và người dân vào ở ổn định thì cần phải điều chỉnh quy hoạch bảo đảm quyền lợi cho người dân.
|
“Việc này của thành phố, quận không làm được. Quận hoàn toàn nhất trí với nguyện vọng của người dân (điều chỉnh quy hoạch - PV)… Lỗi sai là của chủ đầu tư, còn người dân vào ở rồi phải tạo điều kiện cho người dân. Sở và thành phố phải điều chỉnh quy hoạch bổ sung. Quận chỉ đề xuất như vậy…”, Chủ tịch UBND quận Vũ Ngọc Phụng nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc cấp sổ đỏ rồi lại thu hồi sổ đỏ của người dân trong trường hợp trên cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán của Sở TN&MT Hà Nội trong việc đánh giá nhìn nhận cũng như khắc phục giải quyết hiện tượng bất cập này.
“Lẽ ra những sai phạm cần phải được xử lý ngay trong quá trình thực hiện dự án nhưng ở đây có sự làm ngơ để vi phạm xảy ra thậm chí là xảy ra trong thời gian dài sau đó mới đặt ra cái vấn đề giải quyết lại sai phạm đó, gây khó khăn cho người dân. Về lâu về dài, chúng ta không còn cách nào khác đó là buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch tại khu vực này để hợp thức hóa việc cấp sổ đỏ cho người dân” - LS Trương Anh Tú nói. LS Trương Anh Tú cho rằng, đây là một bài học cảnh tỉnh trong công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai trên cả nước.