Đàm phán NAFTA mới giữa Mỹ và Canada: Dịu giọng vì đại cục

GD&TĐ - Các cuộc đàm phán giữa Canada và Mỹ diễn ra khá căng thẳng và gấp rút từ ngày 30/8, khi thời hạn chọn ngày 31/8 (tức nửa đêm 31/8, rạng sáng 1/9 theo giờ Việt Nam) đã cận kề, để hai nước thống nhất các điều khoản cuối cùng về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi, do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất. Áp lực càng lớn hơn đối với Canada, khi vào ngày 27/8, Mỹ và Mexico đã kết thúc đàm phán với những kết quả tích cực cho cả đôi bên.

Ông Trump quyết định hình lại “luật chơi” với những nước láng giềng thân cận nhất, thông qua yêu cầu đàm phán lại NAFTA
Ông Trump quyết định hình lại “luật chơi” với những nước láng giềng thân cận nhất, thông qua yêu cầu đàm phán lại NAFTA

Luật chơi của ông Trump

Mặc dù có một số vấn đề gây tranh cãi vẫn còn trên bàn đàm phán, nhưng những giọng điệu đã ngày càng tích cực hơn, tương phản với những lời chỉ trích gay gắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Canada trong những tuần gần đây, nâng cao hy vọng rằng các cuộc đàm phán đã kéo dài một năm sẽ sớm kết thúc với một thỏa thuận ba bên.

Các cuộc đàm phán về NAFTA mới với những nội dung sửa đổi khá lớn do Nhà Trắng đưa ra, bắt đầu bước vào một giai đoạn quan trọng trong tuần, sau khi Mỹ và Mexico công bố một thỏa thuận song phương vào hôm 28/8, như một sự gợi ý cho Canada tìm thấy hướng đi của mình, nhằm cứu vãn hiệp ước đã 24 tuổi (vốn được thông qua vào năm 1994), chiếm hơn 1.000 tỷ USD trong thương mại hàng năm.

Theo mục tiêu của ông Donald Trump, Hiệp định NAFTA sửa đổi có khả năng sẽ củng cố Bắc Mỹ như một cơ sở sản xuất, cung cấp các ưu đãi cho đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ và rút ra một số chuỗi cung ứng xa từ Trung Quốc. Nó sẽ giảm bớt việc di chuyển nhân sự trong ngành công nghiệp ô tô của Mỹ sang Mexico; đồng thời làm mới Hiệp ước đã 24 tuổi, với các chương mới điều chỉnh nền kinh tế kỹ thuật số cũng như các tiêu chuẩn môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn - những điều mà khi Hiệp ước được thông qua vào năm 1994, chưa được chú trọng cho lắm.

Yêu cầu đàm phán lại NAFTA, ông Trump cũng đặt ra hạn mốc cho cả ba nước đạt được thỏa thuận cuối cùng là vào 31/8 theo giờ Washington, sau khi giai đoạn đàm phán giữa Mỹ và Mexico đã khép lại với kết quả đủ để ông Trump hài lòng, mà Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto cũng không phải áy náy về việc ký thông qua, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 11 tới. Còn về phần Mỹ, theo luật pháp của cường quốc này, Tổng thống Trump phải đợi 90 ngày để Quốc hội thông qua trước khi chính thức ký hiệp ước.

Thỏa thuận không dễ dàng

Cuộc đàm phán NAFTA mới giữa Mỹ và Canada bắt đầu vào đêm 28/8 theo giờ Việt Nam, tức không lâu sau kết quả đàm phán giữa Mỹ và Mexico được công bố chính thức. Trong ngày 28, khi bà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Canada, đang trên đường tới Washington, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này đã tuyên bố Canada sẽ chỉ ký một thỏa thuận mới tốt cho đất nước.

Điều đó cũng đồng thời là thông điệp cho thấy Ottawa không dễ dàng thỏa hiệp. Tuy vậy, ông Trump cũng là người nổi tiếng cứng rắn. Trước đàm phán này, ông đã lên tiếng cảnh báo về khả năng có thể triển khai một thỏa thuận với Mexico về thuế quan đối với xe ô tô do Canada sản xuất, nếu Ottawa không chịu đồng hành, trên con tàu chung. Tất nhiên, các nhà lập pháp Mỹ cho biết việc phê chuẩn một thỏa thuận song phương như vậy (giữa Mỹ và Mexico) sẽ không dễ dàng và rất khó để Quốc hội Mỹ thông qua. Dẫu vậy, ông Trump cũng nổi tiếng là người bất chấp quy định và sẵn sàng quyết những gì mình mong muốn.

Các nhà đàm phán đã làm việc đến khuya vào hôm 29/8, tức đến khoảng trưa 30/8 theo giờ Việt Nam, để kịp cho các cuộc đàm phán khác vào ngày 30/8 giữa nhà đàm phán chính của Canada, Ngoại trưởng Chrystia Freeland, với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

“Chúng tôi đã trao đổi những nội dung rất chi tiết và chuyên sâu, được thực hiện bởi các quan chức đã gặp nhau vào đêm qua (29/8) về một số vấn đề khác nhau và tôi mong được xem xét công việc đó với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer” - Ngoại trưởng Freeland nói với các phóng viên hôm 30/8 - “Có rất nhiều thiện chí. Rất nhiều điều chúng tôi đang cố gắng làm trong một khoảng thời gian ngắn, chúng tôi đang rất quyết tâm, nhưng chúng tôi không thỏa hiệp”.

Một trong những vướng mắc lớn nhất đối với Canada trong NAFTA mới là yêu cầu của ông Trump về việc loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp của Chương 19 (Hiệp ước cũ) vốn cản trở Mỹ theo đuổi các trường hợp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết hôm 27/8 rằng Mexico đã đồng ý loại bỏ cơ chế này.

Để Mỹ không bảo lưu yêu cầu nói trên, Canada đã ngỏ ý sẵn sàng nhượng bộ trên thị trường sữa, vốn được chính phủ bảo vệ. Cuộc đánh đổi này khá quan trọng và có thể sẽ mang lại kết quả tích cực, vì nó đã nhiều lần hứng chịu sự chỉ trích gay gắt của ông Trump. Ngược lại, nó hoàn toàn có nguy cơ gây phản ứng từ nông dân chăn nuôi bò sữa của Canada, những người có ảnh hưởng lớn trên chính trường nước này, bởi họ tập trung chủ yếu tại hai tỉnh giàu có là Ontario và Quebec, cũng là những tỉnh có lá phiếu quan trọng trong mọi cuộc bầu cử ở Canada.

Trong khi đó, cần biết rằng tháng 10/2019, ông Justin Trudeau sẽ bước vào cuộc tranh cử nhiệm kỳ hai vị trí Thủ tướng Canada.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.