Đàm phán Geneva về Syria trong bất đồng nghiêm trọng

GD&TĐ - Tại Geneva, vào ngày 23/2 đã bắt đầu một vòng đàm phán mới giữa các bên về Syria. Đây là nỗ lực đầu tiên để Liên Hiệp Quốc trở lại với vai trò của mình trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria. 

Đàm phán Geneva về Syria trong bất đồng nghiêm trọng

Tuy nhiên, bất chấp những kết quả thực sự đầu tiên trong sự hòa giải giữa các bên, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu trong bầu không khí căng thẳng bởi bất đồng giữa các tổ chức tham gia.

Con đường chông gai

Sau 10 tháng tạm dừng, ngày 23/2, vòng đàm phán mới giữa các bên về Syria đã được khai mạc tại Geneva. Còn nhớ, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, các vòng đàm phán trước đó không mang lại bất kỳ kết quả nào. Vòng đàm phán được tổ chức tại Geneva vào tháng Tư năm ngoái đã kết thúc trong thất bại và sau đó các hoạt động ngoại giao về Syria bị tê liệt hoàn toàn.

Trong bối cảnh ấy, vào cuối tháng 12/2016, với sự trung gian của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc đã được ký kết. Sau đó, vào tháng Giêng và tháng Hai năm nay, hai vòng tham vấn tại Astana (Kazakhstan) giữa các bên về Syria đã được tiến hành, tạo điều kiện để “hồi sức” tiến trình hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, “sáng kiến Astana đã giúp các bên ở Syria đồng ý ngồi vào bàn đàm phán”.

Tại Astana, các bên đã cam kết các nguyên tắc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn cho Syria, chống lại bất kỳ hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn ở đất nước này. Tuy nhiên, quan điểm về hệ thống chính trị của Syria trong tương lai của các bên lại bất đồng nghiêm trọng. Thổ Nhĩ Kỳ và đại diện của các phe đối lập với chính phủ Syria yêu cầu duy trì “nhà nước thế tục” ở Syria.

Bất đồng sâu sắc

Tuy nhiên, bất chấp việc tăng cường các chế độ ngừng bắn và có sự thống nhất đối với các nhóm vũ trang mới, cuộc đàm phán ở Geneva lần này được diễn ra trong bất đồng sâu sắc giữa các phe phái khác nhau của phe đối lập Syria và các đối tác nước ngoài chống lưng cho họ. Phe đối lập được chia thành “nhóm Moscow”, “Nhóm Hmeymim”, “Cairo Group”, “Nhóm của Riyadh” (Ủy ban Đàm phán tối cao) và “Nhóm của Astana”…

Vào đêm trước của cuộc đàm phán ở Geneva, một trong những vấn đề nan giải nhất là ai sẽ là người đại diện cho phe đối lập của chính phủ Syria sẽ tham gia đàm phán. “Việc lấy ý kiến về danh sách những người tham gia đàm phán vẫn đang tiếp tục” - Ông Yara Sharif, phát ngôn viên của đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết. Vì vậy, mọi thương thảo sẽ tiếp tục cho đến giây phút cuối cùng.

Theo ông Qadri Jamil, một trong những nhà lãnh đạo của phe đối lập Syria, việc tham gia vào vòng đàm phán lần này tại Geneva của “nhóm Moscow”- đối thủ chính thức của Damascus cho đến giây phút cuối cùng vẫn chưa ngã ngũ.

Trong bối cảnh đầy bất trắc, theo lãnh đạo của phe đối lập “Mặt trận nhân dân vì sự thay đổi và giải phóng” (“nhóm Moscow”) Qadri Jamil, việc “mặt trận” nhận lời mời từ Staffan de Mistura là “mơ hồ và khó hiểu”. Ông Qadri Jamil cảnh báo rằng một yêu cầu để “nhóm Moscow” có thể tham gia là cho nó quyền bình đẳng với “Riyadh Group”. “Nếu chỉ với tư cách khách mời hay cố vấn, chúng tôi sẽ không đi” - Ông Qadri Jamil tuyên bố.

Thái độ không hài lòng của đại diện “nhóm Moscow” liên quan đến các thông báo rằng trước khi vòng mới ở Geneva, Staffan de Mistura, dựa vào “Nhóm Riyadh”, trao cho họ quyền đại diện cho các phe khác. Ngoài ra, vào ngày thứ Hai (20/2). Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran để làm rõ những tuyên bố trong chuyến thăm Bahrain của Tổng thống Recepp Erdogan rằng “Tehran làm mất ổn định ở Iraq và Syria”.

Theo các nhà phân tích, tiến trình tìm giải pháp hòa bình cho Syria là rất chông gai. Ngoài những bất đồng về quan điểm giữa các cường quốc can thiệp, nội bộ phe đối lập với chính quyền Bashar Assad cũng “năm bè, bảy mối”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Đáng để đòi hỏi

GD&TĐ - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xác nhận, liveshow 'Ngày em thắp sao trời' của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng 'về cơ bản' vẫn tiếp tục đến với khán giả Hà Nội.