Đây là Kế hoạch quan trọng, mang tính tổng thể, toàn diện về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phục vụ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Trong Kế hoạch, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu bảo đảm tất cả giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước hoàn thành chương trình bồi dưỡng trước thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới tuần tự đối với từng cấp học, từ năm học 2019-2020 đối với lớp 1 cấp tiểu học; từ năm học 2020-2021 đối với lớp 6 cấp THCS và từ năm học 2021-2022 đối với lớp 10 cấp THPT.
Cụ thể, việc tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới hoàn thành trong quý 3/2018. Bồi dưỡng giáo viên cốt cán môn học ở trung ương (mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyển chọn 3 giáo viên/môn học/cấp học) được tổ chức hàng năm, từ năm 2018 đến năm 2023.
Cũng theo kế hoạch, giáo viên đứng lớp ở các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ hoàn thành tốt các khóa bồi dưỡng ở địa phương trước thời điểm áp dụng chương trình, SGK theo lộ trình.
Giáo viên dạy các môn Tin học và Công nghệ, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở các cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành tốt các khóa bồi dưỡng ở tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện giảng dạy chương trình, SGK theo lộ trình.
Việc xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên theo Chuẩn hàng năm thực hiện theo kế hoạch của Chương trình nâng cao năng lực các trường sư phạm (ETEP) xây dựng.
Kế hoạch cũng đưa nội dung đào tạo mới giáo viên để dạy các môn học Giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) ở cấp THPT; ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Tin học ở cấp THCS để bảo đảm có đủ giáo viên phù hợp với môn học và các hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới và thực tiễn và đào tạo bổ sung giáo viên các môn học, cấp học còn thiếu.
Để thực hiện Kế hoạch, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác được giao theo lộ trình hàng năm; chủ động phối hợp với các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng.
Các sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh chuẩn bị chu đáo các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cốt cán cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình hàng năm; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng cho giáo viên đại trà theo lộ trình hàng năm;
Đồng thời, chỉ đạo các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục thực hiện công tác chuẩn bị và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên của từng trường và bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy các lớp học, môn học, cấp học để thực hiện việc bồi dưỡng hàng năm đạt kết quả.