Tổ chức tiêm đồng loạt từ ngày 18/4
Tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chiều 14/4, Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết, thứ 7 ngày 16/4, hai ngành Giáo dục và Y tế sẽ khởi động chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị của các cơ sở đã cơ bản đã hoàn tất.
Cụ thể, trong buổi sáng ngày 16/4, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm cho tất cả học sinh lớp 6 và học sinh lớp 5 ở 5 trường tiểu học, gồm: Tiểu học Bàu Sen (quận 5), Tiểu học Dương Minh Châu (quận 10), Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), Tiểu học Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) và Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1).
Sau khi khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, chiều ngày 16/4 hai ngành Y tế và Giáo dục sẽ tổ chức họp và đánh giá. Đến ngày 18/4 sẽ đồng loạt tổ chức tiêm cho tất cả các em học sinh.
Việc tiêm vắc xin dựa trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh. Khi đến cơ sở tiêm phụ huynh phải mang giấy đồng thuận tiêm và có mặt cùng với trẻ em trong quá trình tiêm.
Ông Minh cho biết: “Việc trẻ tiêm vắc xin hay không, không ảnh hưởng đến việc đến trường. Thời điểm hiện nay việc tổ chức dạy học trực tiếp là cần thiết nhất. Chúng ta không còn quá nhiều thời gian để thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Việc dạy học trực tiếp để các em bổ sung những khiếm khuyết, những bất cập trong dạy học trực tuyến mà các em chưa có. Đặc biệt là các yếu tố về tâm lý và sự phát triển toàn diện của học sinh. Do đó tất cả các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp cũng như chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch ở trong nhà trường”.
Cũng theo chia sẻ của ông Minh, từ những kinh nghiệm mà Thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa và tổ chức dạy học từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh tự tin tổ chức dạy học trực tiếp cho các em học sinh, cũng như trẻ mầm non đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Chia sẻ thêm về công tác tiêm chủng vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phụ huynh, người giám hộ là người quyết định việc tiêm hay không tiêm cho trẻ. Việc thăm dò tỉ lệ chỉ có ý nghĩa mang tính tham khảo, còn quyền quyết định là phụ huynh học sinh.
Khi tiêm phải đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin. Đặc biệt không có phân biệt gì giữa những người tiêm và không tiêm. Các em vẫn được ngành giáo dục, địa phương và gia đình hết sức tạo điều kiện để sinh hoạt, đi học bình thường, không phân biệt”.
Chủ động xử lý tình huống phát sinh
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo thông tin mới nhất, Thành phố sẽ được phân bổ đợt 1 là 87.500 liều vắc xin Covid-19 để chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi.
Số lượng trẻ cần tiêm đợt này là 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học, 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Ngay từ đầu tháng 3/2022 Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa nhi để tập huấn an toàn tiêm chủng cho trẻ em, nhằm đảm bảo việc triển khai tiêm chủng cho trẻ an toàn ở mức cao nhất.
“Cho đến thời điểm này chúng tôi đã tập huấn cho 7.500 người thực hiện công tác tiêm chủng. Dự kiến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ 1.322 điểm tiêm tại 21 quận huyện và Thành phố Thủ Đức. Đối với trẻ đi học, sẽ được tiêm tại trường học. Trẻ chưa đi học sẽ được tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động của địa phương bố trí. Ngoài ra trung tâm cấp cứu 115 cũng đã sẵn sằng phương án để xử lý những sự cố xảy ra trong tiêm chủng để bảo đảm an toàn cho trẻ em ở mức cao nhất”, ông Tâm cho hay.
Cũng tại cuộc họp báo, Bà Lê Thiên Quỳnh Như - Phó chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc đã diễn ra lâu nay.
Nhân viên y tế nghỉ việc không phải bỏ nghề mà chuyển từ cơ sở y tế này sang cơ sở khác và cũng làm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Những trường hợp này thay đổi nơi làm việc có nhiều nguyên nhân, có thể nhà xa, môi trương làm việc không phù hợp, điều kiện gia đình, cuộc sống... buộc họ phải tìm những nơi có mức thu nhập cao hơn.
“Điều đáng mừng là lần đầu tiên những chính sách đặc thù về củng cố cũng như nâng cao năng lực của trạm y tế phường, xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được đại biểu HĐND Thành phố biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 5 ngày 7/4/2022. Đây là một tín hiệu rất tích cực cho thấy nhân viên y tế cơ sở cũng như đời sống nhân viên y tế nói chung sẽ khởi sắc hơn”, bà như cho hay.