Chăm lo bữa ăn bán trú
Bên cạnh việc giáo dục kiến thức thì việc chăm lo đến bữa ăn bán trú cho trẻ được coi là vấn đề quan trọng. Do đó, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo quy định, nhằm giúp trẻ phát triển một cách toàn diện về thể lực, trí lực.
Có mặt tại Trường Mầm non thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên vào đúng giờ ăn trưa, chúng tôi được chứng kiến một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, gồm: Thịt, trứng, rau của trẻ. Cháu nào cũng ăn ngon lành và vui vẻ.
Được biết, thời gian ở trường đối với trẻ nhóm 2-3 tuổi được bố trí ăn 2 bữa chính, 1 bữa phụ và sữa; nhóm 4-5 tuổi, trẻ ăn 1 bữa chính, 1 bữa phụ và sữa. Nhà trường tính khẩu phần ăn của trẻ bằng tháp dinh dưỡng để điều chỉnh bữa ăn đảm bảo định lượng và cân đối dưỡng chất.
Khu vực bếp ăn của nhà trường rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát là điều mà chúng tôi cảm nhận ngay khi bước chân vào. Bên cạnh đó, nhà trường công khai mọi khoản chi tiêu, đóng góp, khẩu phần ăn, thực đơn từng ngày của các bé để phụ huynh theo dõi và yên tâm khi cho con em học tại trường.
Cô giáo Nguyễn Mai Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Đu chia sẻ: Năm học 2023 – 2024 trường có 560 học sinh, được chia thành hai phân khu, trường chính và một điểm lẻ.
Nhà trường luôn đặt vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm lên hàng đầu, do đó, trường đã phối hợp cùng Hội cha mẹ học sinh để thống nhất và lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm uy tín, quá trình nhận thực phẩm có sự chứng kiến của 3 bên đó là nhà trường, phụ huynh và nhà cung cấp.
Bên cạnh đó, trường cũng thuê 11 nhân viên bếp để chế biến và nấu những bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh. Hiện nay, trường đang thu mỗi suất ăn có giá 22.000 đồng/ bữa và nhận được sự đồng thuận lớn từ phụ huynh.
Cũng theo cô giáo Nguyễn Mai Dung, trước mỗi bữa ăn, các cô giáo đều giới thiệu các món ăn và các giá trị dinh dưỡng để trẻ hiểu, yêu thích, không kén chọn thức ăn. Bên cạnh đó, trẻ cũng được hướng dẫn cách cầm thìa tự xúc ăn, học cách ăn sao cho gọn gàng, vét bát không kêu, khi ho phải quay mặt đi chỗ khác, trước khi ăn phải rửa tay sạch sẽ, phải mời cô và các bạn cùng ăn cơm… Những điều này giúp rèn luyện tính tự lập và khả năng hòa đồng của trẻ.
Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Còn tại Trường Mầm non Thần Sa, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, mặc dù là xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, nhà trường gồm 1 điểm trung tâm, 4 điểm lẻ luôn được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
100% phụ huynh cho trẻ ăn bán trú tại trường, bởi các con đi học được hỗ trợ tiền ăn trưa 160.000 đồng/ trẻ/ tháng. Các bữa ăn luôn đảm bảo 4 nhóm thực phẩm (chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng), với tỷ lệ cân đối và hợp lý. Các món ăn được thay đổi thường xuyên theo ngày, theo mùa, không lặp lại thức ăn trong tuần; mẫu thức ăn đều được lưu lại. Nhà trường tăng cường rau, củ, quả trong bữa ăn để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Cô giáo Hầu Thị Chỉnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thần Sa cho biết: Hiện nay, nhiều dịch bệnh nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe của các cháu như: Sởi, chân tay miệng, đau mắt đỏ, quai bị… Vì vậy, nhà trường chỉ đạo tăng cường hơn công tác vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc chế biến thức ăn, quá trình bảo quản thực phẩm đều phải tuân thủ theo quy trình. Nhà trường thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh từ khu vực bếp đến phòng học; theo dõi sức khỏe của các cháu, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho các cháu.