Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Báo Tổi trẻ, Sở GD&ĐT Đắk Lắk, Tỉnh đoàn Đắk Lắk phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại ngày hội, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT tỉnh nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ kép (bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm học) theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh. Mặc dù có sự thay đổi về thời gian, tuy nhiên, việc duy trì hoạt động “tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp” thể hiện sự quan tâm đến công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh của Bộ GD&ĐT, Báo Tổi trẻ. Đây là chương trình cung cấp thông tin và giải đáp trực tiếp cho các em học sinh THPT những vấn đề cần biết, những nội dung cần phải nắm vững về quy định của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
“Các em đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của đời người, trước mắt là kỳ thi tốt nghiệp THPT sau 12 năm đèn sách và các đợt thi, xét tuyển vào trường đại học, cao đẳng. Thầy biết rằng, đại học không phải là con đường duy nhất để các em lập thân, lập nghiệp, tạo dựng cho mình một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, việc lựa chọn ngành, nghề, trường nào để học tập, trau dồi đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp … phải xuất phát từ năng lực học tập, sở thích của chính bản thân. Thầy cô giáo là người giúp các em có sự chuẩn bị kỹ về kiến thức, kỹ năng và định hướng mang tính chất gợi mở. Bên cạnh đó, các em rất cần những thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội để định hướng cho mình một hướng đi phù hợp, từ đó có động lực vươn lên, xây dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa chia sẻ.
Tại ngày Hội, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), lãnh đạo các trường đại học ở khu vực phía Nam đã cung cấp thông tin về Quy chế của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; các kỳ thi tuyển sinh, xét tuyển vào trường đại học, cao đẳng; chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế…
Đa dạng phương thức xét tuyển
Theo bà Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định như năm 2020. Kỳ thi nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học theo chuẩn đầu ra của chương trình, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực của học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa.
Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông. Kỳ thi sẽ được tổ chức nhẹ nhàng, giao cho địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Dự kiến, Kỳ thi sẽ diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập, bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). 1 bài thi tự chọn từ 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học). 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với học sinh THPT và tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý với học sinh giáo dục thường xuyên).
Về tuyển sinh đại học, hầu hết các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; học bạ; kết quả thi đánh giá năng lực; điểm học bạ kết hợp thi tuyển năng khiếu (với các ngành năng khiếu) và các phương thức kết hợp khác. Trong đó, trường có ít phương thức tuyển sinh nhất là 2 và nhiều nhất là 6.
Học sinh có sự chuẩn bị nhờ nắm bắt thông tin khách quan, đa chiều
“Em thích ngành Công nghệ sinh học. Giải đáp trực tiếp của Hội đồng tư vấn giúp em vượt qua những băn khoăn, lo lắng về định hướng học tập, trở ngại về vốn ngoại ngữ với ngành học”, Phương Anh, học sinh lớp 12 (thường trú huyện Krông Ana) tâm sự.
“Tôi đến đây để tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên vì mốn con theo học ở gần nhà. Như vậy các cháu sẽ chuyên tâm học tập, không phải bận tâm đến việc ăn, ở hay những thứ khác. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là sau này học xong, cháu nó có thể kiếm việc làm hay không?”, một phụ huynh ở Phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột tâm sự.
“Em thấy ngành Công nghệ thông tin rất thịnh hành cho cuộc sống thời 4.0. Em đến đây để tìm hiểu và muốn được nghe thầy cô của các trường đại học chia sẻ về cơ hội học tập và cơ hội phát triển bản thân. Kết thúc buổi tư vấn, em đã chọn được trường”, Tuấn Anh, học sinh lớp 12 (thường trú tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ.
Sáng mai (14/3), hơn 5.000 học sinh THPT (ở khu vực phía Tây Bắc của tỉnh) tham dự Ngày Hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2021 tại thị xã Buôn Hồ.