Đắk Lắk: Doanh nghiệp tranh chấp mỏ đá, chính quyền “vô can”

GD&TĐ - Đại diện UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khẳng định, việc cấp sổ đỏ, giấy phép mỏ đá của cơ quan chức năng là đúng với quy định.

Bản đồ Khu vực mỏ đá Ea Kmút, xã Cư Êbur.
Bản đồ Khu vực mỏ đá Ea Kmút, xã Cư Êbur.

Tuy nhiên, suốt 3 năm nay, việc tranh chấp giữa hai doanh nghiệp vẫn xảy ra trước sự chứng kiến của chính quyền.

Có sổ đỏ vẫn tranh chấp

UBND TP Buôn Ma Thuột nhận được đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Cần, Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Ban Mê. Đơn này đề nghị xử lý việc Công ty TNHH xây dựng Nam Hải liên tục cản trở, gây khó khăn cho việc khai thác, kinh doanh của Công ty Cổ phần Khoáng sản Ban Mê nhiều năm qua tại mỏ đá Ea Kmút (thôn 8, xã Cư Êbur).

Thực tế, đã từ lâu, việc hai doanh nghiệp nhiều lần xảy ra tranh chấp, gây mất an ninh trật tự. UBND tỉnh Đắk Lắk đã tạm đình chỉ khai thác tại mỏ đá này để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp UBND xã Cư Êbur giải quyết triệt để việc tranh chấp, gây mất an ninh trật tự giữa hai doanh nghiệp trên địa bàn xã này.

Theo tài liệu của Sở TN&MT, Công ty Cổ phần Khoáng sản Ban Mê được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép khai thác mỏ đá Ea Kmút vào ngày 6/8/2018. Ngày 4/12/2018, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có quyết định cho Công ty Khoáng sản Ban Mê cho thuê và cấp “sổ đỏ” trên diện tích 78.300m2.

Ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết, kiểm tra thực tế của Sở tại mỏ đá của Công ty Khoáng sản Ban Mê cũng không có sự chồng lấn về diện tích, ranh giới đối với diện tích mỏ đá của Công ty TNHH xây dựng Nam Hải.

Việc cấp giấy phép, cấp sổ đỏ cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Ban Mê là đúng quy định. Yêu cầu doanh nghiệp tự tổ chức khai thác, bảo vệ. UBND xã Cư Êbur là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình khai thác, bảo đảm an ninh trật tự… tại các mỏ đá đã được cấp phép.

Tranh chấp kéo dài vì… chính quyền?

Khu vực mỏ đá Ea Kmút (thôn 8, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) nơi 2 doanh nghiệp tranh chấp.
Khu vực mỏ đá Ea Kmút (thôn 8, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) nơi 2 doanh nghiệp tranh chấp.

“Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk đã khẳng định bằng văn bản doanh nghiệp chúng tôi được cấp đất, cấp phép đúng quy định. Tuy nhiên, doanh nghiệp bên cạnh liên tục kéo người ra cản trở, gây mất an ninh trật tự.

Suốt 3 năm liền, các cơ quan chức năng cứ đẩy đưa, không giải quyết dứt điểm khiến doanh nghiệp bị thiệt hại” - ông Nguyễn Văn Cần, Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Ban Mê lý giải.

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải, ông Lê Trọng Thiết lại cho rằng, nguồn gốc khu vực đất tranh chấp trước đây tỉnh cấp phép cho Công ty Cổ phần Xây dựng và xuất nhập khẩu Quyết Thắng khai thác từ năm 2003.

Lúc đó, Công ty Nam Hải bỏ vốn hợp tác đầu tư với Công ty Quyết Thắng và có tiến hành hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân một số diện tích đất để khai thác (có 20 tờ giấy viết tay). Tuy nhiên, ngày 20/3/2014, UBND tỉnh thu hồi dự án của Công ty Quyết Thắng và cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Ban Mê thuê lại.

“Việc cho thuê, cấp sổ đỏ cho Công ty Khoáng sản Ban Mê là đúng nhưng đối với phần đất mà Công ty Nam Hải đã hỗ trợ cho các hộ dân thì chưa được xem xét, giải quyết” - ông Thiết phân trần.

Tuy nhiên, Sở TN&MT Đắk Lắk khẳng định, Công ty TNHH xây dựng Nam Hải chỉ có hợp đồng gia công đá với Công ty Quyết Thắng. Việc Công ty Nam Hải cho rằng, mình có thỏa thuận hỗ trợ cho các hộ dân một một phần đất thuộc diện tích 78.300m2 đã cấp cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Ban Mê là không có cơ sở xem xét, giải quyết.

Mặc dù, đã khẳng định là vậy, nhưng khi xảy ra tranh chấp giữa hai doanh nghiệp nói trên, các ngành chức năng địa phương không giải quyết dứt điểm, để tranh chấp kéo dài gây mất trật tự hơn 3 năm nay.

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột khẳng định, đã giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn kiểm tra lại cụ thể và tham mưu để UBND TP Buôn Ma Thuột có căn cứ trả lời doanh nghiệp có đơn trước 30/8.

“Chúng tôi đã thông báo và đề nghị hai doanh nghiệp nên nhờ tòa án phân xử, không nên tranh chấp gây mất an ninh trật tự” - ông Hưng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.
Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.