Trong sự nghiệp âm nhạc dài hơn 60 năm, GS Trần Văn Khê đã nhận nhiều vinh danh cao quý. Ông trở thành biểu tượng lớn trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền nói riêng và hoạt động văn hóa truyền thống nói chung.
Tháng 7 là thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Trần Văn Khê, cũng là thời khắc để những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền nhớ về một “đại thụ” đã hết mình cống hiến cho văn hóa nước nhà.
Gia đình âm nhạc
GS Trần Văn Khê sinh tại Tiền Giang, trong gia đình bốn đời gắn bó với âm nhạc truyền thống. Cụ Trần Quang Thọ (cố nội nhạc sĩ) là nhạc công cung đình Huế. Cụ Trần Quang Diệm (ông nội) chơi đàn kìm, tranh, tỳ bà nổi tiếng khắp nơi.
Cụ Trần Quang Chiêu (tức Bảy Triều) – bố của nhạc sĩ vang danh trong giới nhạc tài tử Nam Bộ với những ngón đàn kìm độc đáo. Cô ruột ông là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện) - người sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban mà ở Vĩnh Kim (Mỹ Tho) ai cũng thuộc tên, quen mặt.
Chưa hết, cụ cố ngoại của Trần Văn Khê chính là đại danh thần Nguyễn Tri Phương. Ông ngoại ông là Nguyễn Tri Túc cũng là người say mê âm nhạc, có ba người con đều theo nghiệp đờn ca.
Lớn lên trong gia đình âm nhạc, thừa hưởng những tinh hoa của cả nội tộc và ngoại tộc nên từ nhỏ, cậu bé Trần Văn Khê đã coi âm nhạc như lẽ sống, cốt tủy. 6 tuổi, cậu bé đã được dạy và biết đánh đàn nguyệt, 8 tuổi đánh đàn cò, 12 tuổi thông thạo đàn tranh…
Theo tư liệu, do cha mẹ mất sớm nên ông cùng với hai người em là Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương được cô Ba Viện nuôi dưỡng. Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học Y khoa. Năm 1949, ông sang Pháp du học và tốt nghiệp Trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế.
Tuy nhiên, vì đam mê nên ông đến với âm nhạc và theo học Khoa Nhạc học của Đại học Sorbonne. Ông thực hiện luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các giáo sư nổi tiếng như Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner.
Tháng 6/1958, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ của Đại học Sorbonne với đề tài chính là “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”.
Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên đỗ bằng Tiến sĩ ngành Dân tộc nhạc học tại Pháp và là Giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp). Từ đó, ông bắt đầu con đường giảng dạy và truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Không bỏ sót cơ hội
Cho đến nay, giới nghiên cứu luôn phải khẳng định vị thế và sự đóng góp quá to lớn của GS Trần Văn Khê đối với nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Không chỉ góp phần đưa âm nhạc dân tộc hòa nhập thế giới, ông còn khiến người nước ngoài hiểu cái hay, nét đẹp của âm nhạc và văn hóa Việt Nam.
Khi còn sống, trong những buổi luận đàm hay đơn thuần chỉ là chuyện trò về âm nhạc, các nhà nghiên cứu đã phải công nhận Trần Văn Khê chính là một “pho từ điển sống” về âm nhạc dân tộc.
Từ chèo, tuồng, ả đào, xẩm, hát ví, bài chòi, điệu hò, điệu lý, đờn ca tài tử, ca vọng cổ… ông đều hiểu cặn kẽ. Cùng với khả năng diễn giải, ông đã giúp rất nhiều nhà nghiên cứu và các nhạc sĩ Việt Nam hiểu sâu sắc về từng thể loại âm nhạc.
Cách phân tích rạch ròi, sắc bén trong diễn tiến lịch sử của từng loại hình khiến cho người nghe luôn phải bất ngờ về sự hiểu biết và đi đến tận cùng của ông.
Chính GS Trần Văn Khê là người đóng góp quan trọng nhất trong việc đưa nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, đờn ca tài tử Nam Bộ… trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong thời gian dài hoạt động âm nhạc ở nước ngoài, GS Khê đã đi nhiều nước trên thế giới để thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông không bỏ qua một cơ hội nào để người nước ngoài biết đến âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Giới nghiên cứu tổng kết, GS Khê đã tham dự khoảng trên 200 hội nghị quốc tế về âm nhạc ở 67 quốc gia, tham dự khoảng 20 liên hoan quốc tế về âm nhạc. Trong đó, rất nhiều hội nghị và liên hoan đã được GS Khê giới thiệu những nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Từ những năm Việt Nam còn bị chia cắt, GS Khê đã rất quan tâm tới vấn đề bảo tồn và quảng bá âm nhạc Việt Nam. Cho đến khi đất nước vừa thống nhất, ông đã về nước và lập tức bắt tay vào việc thu âm các loại hình âm nhạc cổ truyền.
Năm 2006, GS Khê chính thức trở về Việt Nam sinh sống, và tiếp tục có những cống hiến lớn cho âm nhạc nước nhà. Năm 2015, GS Khê qua đời tại TPHCM. Ông đã hiến tặng cho thành phố này 420 hiện vật quý, với nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu quan trọng.
Trong suốt tháng 7 – thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Trần Văn Khê, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ xúc động, mong muốn quỹ học bổng của ông sẽ thắp sáng và gìn giữ các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Quỹ học bổng sẽ tiến hành trao giải cho các cá nhân xuất sắc trong hoạt động âm nhạc truyền thống, và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên theo đuổi dòng nhạc này. Việc xét tặng giải thưởng được thực hiện luân phiên theo từng khu vực Nam, Trung, Bắc.