Đái tháo đường thai kỳ: Vòng luẩn quẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé

GD&TĐ - Đái tháo đường không trừ một ai, từ người già tới trẻ nhỏ, người béo hay gầy… đều có nguy cơ mắc.  

Đái tháo đường thai kỳ: Vòng luẩn quẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé

Sơ suất là khổ mẹ, mất con

Mang thai đến tháng thứ tám, chị Nguyễn Thị Liên (TP Hải Dương, Hải Dương) chuẩn bị đầy đủ đồ sơ sinh để đến ngày đến tháng đón bé ra đời. Nhưng mọi chuyện không như dự tính.

Sau một cơn đau bụng, chị ngất xỉu, khi tỉnh dậy đã thấy đang nằm ở khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) và nghe láng máng bác sĩ nói may cứu được mẹ, em bé trong bụng không còn.

Theo chị Liên, khi được chuyển về khoa Nội tiết điều trị tiếp, chị mới biết mình bị tiểu đường thai kỳ nặng dẫn đến lưu thai. Tuy nhiên, điều khiến chị Liên bất ngờ là trong suốt quá trình khám thai, bác sĩ sản ở quê chưa một lần cho kiểm tra nước tiểu hay thử máu.

Gia đình có người bị bệnh nên chị Hoàng Thu Hà (Thanh Oai, Hà Nội) lo lắng bởi khả năng mình bị bệnh rất lớn. Khi biết mình mang thai, chị kiểm tra thường xuyên và kết quả đều bình thường.

Đến khi thai được 23 tuần tuổi, kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói bình thường nhưng làm thêm phương pháp dung nạp glucose thì chị bị đái tháo đường.

Các bác sĩ khuyên chị gặp bác sĩ nội tiết để được tư vấn nhưng vì chủ quan, kinh tế eo hẹp nên chị chần chừ đến khi thai được 34 tuần mới đi khám lại.

Lúc này, bác sĩ phát hiện chị bị đa ối, thai to bất thường (3,5kg thay vì 2,2 - 2,3kg). Mặc dù bác sĩ đã chỉ định tiêm insulin ngay để điều chỉnh lượng đường trong máu nhưng thuốc chưa kịp ngấm thì chị phát hiện thai nhi không máy như mọi ngày. Kết quả siêu âm cho thấy, thai nhi đã chết lưu.

Mắc bệnh khi mang bầu là tình trạng phổ biến bởi cơ thể chị em lúc này thường bị rối loạn nội tiết dẫn đến tình trạng cơ thể quá tả quá hữu.

Một trong số bệnh phổ biến, nguy hiểm với thai phụ và thai nhi là đái tháo đường. Bệnh thường khó phát hiện nên nhiều người phải kết thúc thai kỳ sớm, còn mẹ thì điều trị dài ngày sau đó.

Có người không may từ bệnh trong giai đoạn thai kỳ chuyển thành mạn tính, phải điều trị suốt đời với nhiều biến chứng trực chờ. Khả năng mang thai ở những lần sau cũng khó hơn nhiều…

Người khỏe cũng mắc

Đái tháo đường là bệnh mạn tính do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó sản xuất.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Lương (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), bệnh được chia thành hai loại: Tiểu đường type 1 xảy ra khi cơ thể không thể tạo ra đủ insulin.

Những người bị bệnh tiểu đường type 1 cần dùng insulin hằng ngày để điều chỉnh lượng đường glucose trong máu. Tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả.

Các triệu chứng có thể giống với bệnh tiểu đường loại 1 nhưng thường không rõ ràng hoặc đôi khi không có triệu chứng. Bệnh có thể tiếp diễn trong nhiều năm, chẩn đoán không ra cho đến khi có biến chứng.

Trong những năm qua, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trên toàn cầu đã tăng lên khá nhanh. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, số người mắc bệnh tiểu đường chỉ riêng khu vực Tây Thái Bình Dương có thể sẽ tăng từ 138 triệu người năm 2014 lên 202 triệu người vào năm 2035 nếu thế giới không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu mới đây cho thấy, sau 10 năm từ năm 2002 đến 2012, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ 2,7% lên 5,4% và ước tính hiện tại Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường, đặc biệt, trong số đó có tới trên 60% chưa được phát hiện bệnh.

Điều đáng nói ở chỗ, bệnh tiểu đường type 2 trước đây chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng thời gian gần đây, bệnh đã được phát hiện ở trẻ em.

Bên cạnh các yếu tố khách quan gây bệnh đái tháo đường như di truyền, lão hóa, thì nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy đa phần người Việt ăn ít rau, trái cây so với khuyến cáo. Việc luyện tập thể dục cũng chỉ có 1/3 dân số đạt mức trung bình 150 phút/tuần… tạo điều kiện cho bệnh đái tháo đường tấn công nhiều người.

Do bệnh diễn biến âm thầm nên nhiều người không biết mình mắc bệnh, người biết thì chủ quan dẫn đến biến chứng nặng (mù mắt, cụt chi, suy thận…) thì không thể cứu vãn.

Mỗi năm, người dân trên toàn cầu thêm một lần biết đến bệnh đái tháo đường nhân Ngày Đái tháo đường thế giới (14/11). Nắm đầy đủ thông tin về bệnh để biết được các nguy cơ của mình và làm theo lời khuyên của bác sĩ.                                                                                                                                                                                           Có chế độ ăn uống hợp lý nhằm kiểm soát cân nặng và lượng mỡ dư thừa, ăn nhiều rau xanh và hoạt động thể lực… là việc làm hữu ích giúp đẩy lùi căn bệnh trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.