Đại lễ của hàng loạt kỷ lục

GD&TĐ - Diễn ra từ ngày 12 - 14/5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16 - Vesak 2019 tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Thông điệp từ bi, trí tuệ của đức Phật được truyền bá rộng rãi thông qua chủ đề trọng tâm “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” và chuỗi hoạt động tâm linh phong phú mang đậm những giá trị nhân bản.

7 đóa hoa sen, tượng trưng cho 7 bước đi của Phật đã được BTC hạ thủy tại mặt hồ trước lễ đài
7 đóa hoa sen, tượng trưng cho 7 bước đi của Phật đã được BTC hạ thủy tại mặt hồ trước lễ đài

Chung khát vọng kiến tạo thế giới an lạc, trường tồn

Sự có mặt của Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và hơn 20 đại sứ cùng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Vesak 2019 “là cơ hội quý báu lan tỏa hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhận được hơn 250 thông điệp của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các nước, lãnh đạo các Giáo hội, chư vị Tăng thống, Tăng vương, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, Phật giáo và cá nhân tiêu biểu khắp các châu lục gửi về.

Đại lễ năm 2019 đã tập trung thảo luận các nội dung: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, phần nội dung cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm sẽ có những chia sẻ từ các chức sắc, nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước về tầm quan trọng, ảnh hưởng của các hoạt động có trách nhiệm của Phật giáo hướng tới sự phát triển giữa các cộng đồng dân cư…

Nói lên thông điệp được nhân dân Sri Lanka gửi tới, Thủ tướng Ranil Wickremesighe bày tỏ: “Cái ác có thể chuyển hóa bởi đức hạnh. Sự bất công bị đẩy lùi bởi công lý, sự oán hận bị xua tan đi bởi lòng yêu thương, độ lượng và sự dối trá thay thế bởi sự chân thành. Chinh phục xã hội và hòa giải sẽ được phát triển thông qua sự trưởng thành về mặt tinh thần tâm linh bị chinh phục từ một cá nhân. Meththa (Từ), nói về tình yêu thương vô điều kiện; Karuna (Bi); lòng thương xót chúng sinh; Muditha (Hỷ), hoan hỷ, vui sướng; Upekha (Xả), tính bình đẳng. Đây là bốn trạng thái tâm thức vô lượng nên được thực hành để đạt một cuộc sống cao thượng. Đó là lối thoát giải quyết các xung đột và sự tàn phá đang phổ biến trên thế giới”.

Lên tiếng kêu gọi Vesak 2019 hãy trở thành cơ hội để làm mới cam kết về việc xây dựng thế giới hòa bình và chân giá trị cho tất cả mọi người trên hành tinh, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhận định: “Trong thời điểm gia tăng sự bất bình đẳng và thiếu độ lượng hiện nay, thông điệp của đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết”.

Đại lễ VesakLiên Hợp Quốc đã vượt trên một lễ hội văn hoá tôn giáo thông thường, nhằm phát huy tinh hoa của đạo Phật và trao truyền tới tất cả chúng ta thông điệp lâu đời của Đức Phật Thích Ca về hoà bình, hoà hợp, khoan dung và nhân ái mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó cũng là nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và là chất liệu để góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, đem đến hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, vì lợi ích tốt đẹp của nhân loại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Choáng ngợp và ấn tượng

Sau 2 lần tổ chức Đại lễ Vesak rất thành công, với lần thứ ba đăng cai tổ chức Việt Nam tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Nhận xét về công tác tổ chức, Hòa thượng Phra Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak 2019 chia sẻ: “Chúng tôi rất ấn tượng với những kết quả sau hai lần Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak (năm 2008 và 2014). Những kết quả đạt được trong các cuộc hội thảo sẽ được Ban soạn thảo đưa ra tuyên bố Hà Nam và thông báo rộng rãi tới toàn thế giới. Hoàn toàn bất ngờ trước tiến độ hoàn thiiện công trình phục vụ Đại lễ, Hòa thượng Phra Brahmapundit thán phục: “Cách đây chỉ vài tháng khi tôi tới đây để kiểm tra công tác chuẩn bị thì các công trình mới đang được xây dựng, còn rất ngổn ngang. Thế mà, Đại lễ được tổ chức ngày hôm nay giữa một khung cảnh quá đẹp, đẹp tuyệt vời, có thể coi như là thiên đường trên Trái đất”.

Diễn viên Gagan Malik - người đóng vai đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong phim“Cuộc đời đức Phật” (tác phẩm “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được nhà tỷ phú Ấn Độ B.K. Modi đầu tư 120 USD chuyển thể thành phim) cho biết cảm nhận của mình: “Tôi vô cùng thích thú khi được là một phật tử cùng mọi người từ khắp nơi trên thế giới tới tham dựĐại lễ Vesaklần này. Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tôi rất ấn tượng về tình cảm yêu thương, lòng trắc ẩn lan toả tại đây. Tôi đã đi du lịch Việt Nam 4 lần và thích đồ ăn Việt. Người Việt rất độ lượng, tình cảm”.

Nhiếp ảnh gia, nhà báo Phùng Anh Tuấn (Tạp chí Phật học) cho biết: Tôi thấy phật tử và đại biểu nước ngoài rất choáng ngợp trước phong cảnh thiên nhiên non nước hữu tình và thích thú tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh. Tôi ấn tượng với sự chu đáo, tận tụy khi biết mỗi ngày, BTC chuẩn bị 40.000 suất cơm chay và nước uống miễn phí dành cho phật tử và du khách thập phương tham dự Đại lễ Vesak 2019. Đây có thể nói là Đại lễ hội tụ nhiều món ăn chay ngon nhất của 3 miền và có nhiều nghệ nhân đảm nhiệm việc sắp đặt bài trí mỹ thuật nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ