Đại học vùng có nhiều lợi thế trong tự chủ tuyển sinh

GD&TĐ - “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự thảo quy định của Bộ GD&ĐT về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ 2014, đặc biệt là ý kiến của Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các đại học vùng phải đi tiên phong trong tự chủ tuyển sinh. Hiện Đại học Huế đang xây dựng lộ trình để có được một Đề án tuyển sinh tốt…” 

Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành học tại các trường ĐH vùng
Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành học tại các trường ĐH vùng

Đó là ý kiến của PGS.TS Lê Văn Anh - Phó Giám đốc ĐH Huế - trong cuộc trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về kế hoạch tự chủ tuyển sinh của Đại học Huế.

Thưa PGS.TS Lê Văn Anh, ông có thể lý giải vì sao các đại học vùng như Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên và Đại học Đà Nẵng lại cần phải đi tiên phong trong tự chủ tuyển sinh?

- Theo tôi, đại học vùng có mấy lợi thế. Thứ nhất, là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó đặc biệt có khoa học cơ bản có liên quan đến các môn thi của thí sinh (Khối A có Toán, Lý, Hóa; Khối B có Toán, Hóa, Sinh; Khối C có Văn, Sử, Địa). Kèm theo đó có rất nhiều thầy cô giáo dạy các môn khoa học cơ bản liên quan đến các môn thi đó. 

Ví dụ: Đại học Huế có 2 trường thành viên là Đại học Khoa học và Đại học Sư phạm, ngoài ra còn có thêm Đại học Ngoại ngữ; số thầy cô này đủ trình độ để có thể ra đề thi được. 

Một lợi thế nữa là tính chất đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều ngành nghề của đại học vùng nên có thể sử dụng chung để xét tuyển trong các trường thành viên và các khoa trực thuộc.

Còn với riêng Đại học Huế, thưa ông?

- Ngoài những lợi thế nêu trên, Đại học Huế còn là đại học có bề dày trên nửa thế kỷ, có một đội ngũ GS, PGS, TS đông đảo, có kinh nghiệm tuyển sinh qua nhiều năm nên việc thực hiện tự chủ trong tuyển sinh hoàn toàn hợp lý.

Vậy cho tới thời điểm này, Đại học Huế đã lập đề án tuyển sinh riêng hay chưa?

- Để có được một Đề án tuyển sinh hoàn chỉnh trình lên Bộ vào ngày 30/9/2014 (hạn chót theo quy định), chúng tôi cũng đã nghiên cứu, thăm dò ý kiến và sẽ tổ chức một cuộc họp với toàn thể lãnh đạo các trường thành viên, các khoa trực thuộc vào thời điểm ngay sau Tết để đi đến thống nhất về kế hoạch tuyển sinh của Đại học Huế. 

Tuy nhiên, trong cuộc họp Hội đồng Tuyển sinh mới đây, Đại học Huế đã thống nhất vẫn quyết định theo “ba chung” cho tới năm 2016. 

Bước quá độ từ nay đến năm 2017, trong quá trình tổ chức thi chung vẫn sẽ có những ngành thi riêng như các ngành thi năng khiếu của Trường ĐH Nghệ thuật, Khối M của Trường ĐH Sư phạm, Khối V của Trường ĐHKH; thực hiện từng năm chứ không thể đồng loạt.

Trong cương vị của một lãnh đạo chuyên môn, ông có thể hiến kế gì cho phương án tuyển sinh riêng của Đại học Huế tới năm 2017?

- Tôi nghĩ có thể thực hiện nhiều phương án: Hoặc thi riêng, hoặc có thể liên kết với các trường đại học trong khu vực để thi theo cụm để có đầu vào tốt hơn. 

Cũng có thể liên kết với các trường đại học trong khu vực để thi chung: Chung đề, chung đợt, dùng kết quả chung để xét tuyển để có được nguồn đầu vào dồi dào hơn là thi riêng…

Còn khâu tự chủ trong ra đề thì thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, Bộ GD&ĐT có quỹ đề chung cho các trường đại học, cao đẳng. Trường nào ra được đề thì ra, còn không ra được thì có thể sử dụng đề của Bộ.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ