Đại học Đà Nẵng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Trung tâm tài chính quốc tế

GD&TĐ - Đại học Đà Nẵng chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhiệm vụ xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế của TP Đà Nẵng.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và ĐH Đà Nẵng tại VKU Fintech Hub.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và ĐH Đà Nẵng tại VKU Fintech Hub.

Thực hiện Thông báo kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, trong đó thành phố Đà Nẵng được giao xây dựng Trung tâm tài chính khu vực, Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã chủ động, tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiệm vụ cấp thiết này.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đây là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện vai trò nòng cốt của ĐH Đà Nẵng đồng hành cùng thành phố thực hiện Thông báo số 47-TB/TW và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới.

Đào tạo nguồn nhân lực Fintech

Theo Nghị quyết số 29-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về xây Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng được giao cùng các cơ sở giáo dục nghiên cứu, xây dựng tổng thể Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Trung tâm tài chính… nghiên cứu các hình thức liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ quốc tế; tăng cường giảng dạy song ngữ; xây dựng các câu lạc bộ tài chính…

PGS.TS Nguyễn Thành Đạt, Phó Trưởng ban Ban Đào tạo và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng cho biết, từ năm 2022, ĐH Đà Nẵng đã chỉ đạo, giao các trường ĐH thành viên (Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn) tiên phong mở các chương trình đào tạo phục vụ yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính như: Công nghệ tài chính (Fintech), Kinh doanh quốc tế…

Năm 2025, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng tiếp tục mở thêm các ngành đào tạo mới, công bố tuyển sinh như: Tài chính quốc tế (ngành Tài chính - Ngân hàng); Trí tuệ nhân tạo trong Kinh doanh (ngành Hệ thống thông tin quản lý); Giao nhận và vận tải quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế) góp phần thực hiện nhiệm vụ then chốt này. Bên cạnh đó, Nhà trường triển khai 3 chương trình đào tạo toàn phần bằng tiếng Anh là: Kinh doanh quốc tế, Marketing số và Thương mại điện tử; 17 chương trình đào tạo song ngữ.

anh-2-bai-2-gdtd-dh-da-nang.jpg
Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng ra mắt Câu lạc bộ về Fintech trong sinh viên

Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, các chương trình này được triển khai đào tạo theo cơ chế đặc thù; ưu tiên bố trí giảng viên trình độ cao, phần lớn được đào tạo ở các nước tiên tiến, đồng thời mời các chuyên gia theo các thỏa thuận hợp tác với các trường, viện đối tác tham gia giảng dạy, thuyết trình. Sinh viên được tăng cường đáng kể thời lượng học tập, thực hành, tham khảo thêm các nguồn tài liệu học thuật nước ngoài; được tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng chỉ quốc tế uy tín như: Chứng chỉ Kế toán công chứng Anh và xứ Wales ICAEW (Kế toán); Chứng chỉ kế toán Anh quốc ACCA (Kiểm toán)…

Nhà trường cũng vừa ra mắt Câu lạc bộ học thuật dành cho sinh viên, giảng viên các ngành về Công nghệ tài chính (CLB FinDify). Đây là điểm đến kết nối sinh viên với cộng đồng chuyên gia học thuật Fintech cùng trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Việc xây dựng mạng lưới kết nối giảng đường với thị trường tạo thêm nhiều cơ hội giúp sinh viên được định hướng, tư vấn và hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu, xu thế phát triển Trung tâm tài chính quốc tế và Khu Thương mại tự do tại Đà Nẵng.

Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ

Nghị quyết số 29-NQ/TU cũng giao ĐH Đà Nẵng chỉ đạo các trường ĐH thành viên tăng cường đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Trong tháng 4/2025, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về Trung tâm tài chính quốc tế cho 280 cán bộ, viên chức với nhiều nội dung như: Kiến thức chung về Trung tâm tài chính quốc tế; Kinh nghiệm quốc tế và các yếu tố, điều kiện để phát triển Trung tâm tài chính; Yêu cầu phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng…

anh-3-bai-2-gdtd-dh-da-nang.jpg
Tập huấn kiến thức, nghiệp vụ về TTTC cho cán bộ các sở, ngành thành phố Đà Nẵng

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng, các học viên được tập huấn, cung cấp thêm nhiều kiến thức hữu ích từ các chuyên gia, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, qua đó mở rộng tư duy, tầm nhìn về các mô hình quản lý, vận hành, cơ sở pháp lý và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Trung tâm tài chính. Các công nghệ, nghiệp vụ hiện đại như Fintech, tài sản số, tài chính số được trang bị, cập nhật giúp đội ngũ cán bộ nắm bắt, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Nhờ có mạng lưới hợp tác sâu rộng, gắn kết với các trường ĐH, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, ĐH Đà Nẵng hội đủ tiềm lực đảm nhận đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

ĐH Đà Nẵng chỉ đạo, khuyến khích các trường tăng cường gắn kết với doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực Fintech như: Trường ĐH Kinh tế (DUE) phối hợp với Ngân hàng Quân đội MB khai thác hiệu quả “DUE Digital Hub”; Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn phối hợp với các đối tác Hàn Quốc (Quỹ Childfund Korea, Công ty Hanwha Life) đưa vào sử dụng “VKU Fintech Hub”. Đây là các không gian sáng tạo số truyền cảm hứng cho sinh viên học tập, nghiên cứu, trải nghiệm công nghệ mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ba Lan kiểm tra xe tăng K2.

Tình cảm đã phai nhạt?

GD&TĐ - Lập trường của Ba Lan về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới bắt đầu vào ngày 18 tháng 5.

Ukraine lo sợ sức mạnh tên lửa Fath-360

Ukraine lo sợ sức mạnh tên lửa Fath-360

GD&TĐ -Giới chuyên gia Ukraine đã bày tỏ sự lo ngại về tầm bắn xa và đầu đạn nặng của tên lửa Fath-360 Iran, hiện đang phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Nga.