'Đại học bách khoa toàn cầu' đầu tiên

GD&TĐ - Chúng ta thường nghĩ, Oxford (Anh) là trường đại học quốc tế đầu tiên trên thế giới nhưng thực tế không hẳn vậy.

Nalanda có tuổi đời khoảng 1.600 năm. Ảnh: Alamy.com
Nalanda có tuổi đời khoảng 1.600 năm. Ảnh: Alamy.com

So với nó, Nalanda (Ấn Độ) có trước cả 500 năm và dù bị gián đoạn gần 1.000 năm, Nalanda đã hoạt động trở lại, vừa được xem như “trường đại học quốc tế có tầm quan trọng nhất” và UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Tịnh xá Phật giáo

Lịch sử Phật giáo kể lại, năm 645, sau 2 năm tu luyện tại Magadha, Ấn Độ, nhà sư Huyền Trang (602 - 664) người Trung Quốc (nguyên mẫu của nhân vật Đường Tăng trong Tây Du Ký) đã trở về với đoàn chiếc xe ngựa chở 657 cuốn kinh Phật.

Ông kể rằng ở Magadha có Đại Bảo Tháp tưởng niệm đại đệ tử của Đức Phật. Nó hình kim tự tháp bát giác, nằm trong khuôn viên Tịnh xá Nalanda có rất nhiều đình, chùa kỳ vĩ được xây dựng từ thời Đế chế Gupta (thế kỷ IV - VI):

Thời cổ đại, Magadha (ngày nay là Bihar) là một trong 16 kinh đô ở Ấn Độ, lừng danh “thánh địa Phật giáo và Kỳ Na giáo”. Theo truyền thuyết, Đức Phật từng thuyết pháp ở đây. Xá Lợi Phất, một trong 2 đệ tử đầu tiên của ông cũng chào đời và nhập niết bàn trên vùng đất này.

Trước nhà sư Huyền Trang, vào khoảng đầu thế kỷ V, nhà sư Pháp Hiển (337 - 422) cũng là người Trung Quốc du hành đến Ấn Độ và ở lại khoảng 10 năm. Ông tới thăm Magadha, viết du ký nhưng không nhắc đến Nalanda nên có lẽ nó được xây dựng sau thời điểm này.

Người sáng lập Nalanda là Hoàng đế Kumaragupta I (415 - 455). Sau ông, các đời vua Gupta kế tiếp duy trì tín ngưỡng sùng đạo Phật, cho xây dựng thêm nhiều công trình và biến Nalanda thành khu phức hợp rộng lớn.

Khi nhà sư Huyền Trang đến thăm, Nalanda dưới sự bảo trợ của Hoàng đế Harsha (590 - 657). Đây là người đã cho xây dựng thêm 3 ngôi đền to đẹp (Buddha, Surya và Shiva) và ban chiếu chỉ cấp cho Nalanda 100 ngôi làng. Mỗi làng này phải chỉ định ra 200 hộ chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho tịnh xá. Cũng theo lời nhà sư Huyền Trang, Nalanda có tới 1.500 đại sư và 10.000 tăng ni.

“Đại học bách khoa”

Phát hiện khảo cổ thời Gupta chỉ ra, Nalanda quả thực hệ thống tịnh xá Phật giáo đa công trình và có 3 thời cực thịnh. Thứ nhất là dưới thời Gupta, kéo dài từ thế kỷ V - VI, thu hút nhiều tăng, ni từ Tây Tạng, Trung Quốc và Trung Á đến tu hành. Thứ 2 là dưới thời Hoàng đế Harsha và thứ 3 là dưới thời Kannauj (giữa thế kỷ VII - VIII).

Theo lời kể của nhà sư Huyền Trang, Nalanda là học viện Phật giáo hoạt động rất bài bản. Chương trình giảng dạy được chia ra làm 2: Giảng dạy giáo lý Đại thừa, 18 tông phái Tiểu thừa và giảng dạy các kiến thức khác như kinh Vệ Đà, ngữ pháp tiếng Phạn, y học, triết học, toán học…

Giảng sư của Nalanda là các đại sư người Ấn Độ còn học sư thì không giới hạn quốc tịch, tầng lớp. Thư viện của Nalanda cực lớn, có tới 9 triệu cuốn sách. Cả giảng sư lẫn học sư đều ăn ở ngay trong khu phức hợp. Nhìn tổng quát, Nalanda hệt như một kiểu “trường đại học bách khoa nội trú toàn cầu” nên mới được công nhận là “trường đại học đầu tiên của thế giới”.

Trải qua 4 thế kỷ phát triển rực rỡ, Nalanda đạt rất nhiều thành tựu. Ở lĩnh vực y học, nó đưa phương pháp khám chữa Ayurveda (chủ yếu là sử dụng thảo dược và massage) phổ biến khắp Ấn Độ và lan sang các nước khác.

Ở lĩnh vực xây dựng, đem kiến trúc dạng đền chùa tới các quốc gia cách rất xa như Thái Lan, Nhật Bản… Ở lĩnh vực toán học, đào tạo ra cha đẻ toán học Ấn Độ - Aryabhata (476 - 550), người đầu tiên xem 0 là một chữ số và mở ra “đại cách mạng tính toán”, giúp đơn giản hóa số đếm, khởi động toán đại số, giải tích...

Ngoài nhận các học sư phương xa, Nalanda còn thường xuyên gửi những giảng sư xuất sắc nhất đến nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và các kiến thức. Sự trao đổi giáo dục này giúp đạo Phật tỏa rộng sức ảnh hưởng, định hình tín ngưỡng trên toàn châu Á.

dai hoc bach khoa toan cau dau tien (1).jpg
Thời cực thịnh, Nalanda có thể có đến 1.500 giảng sư và 10.000 học sư. Ảnh: Alamy.com

Sụp đổ và hồi sinh

Từ thế kỷ IX - XI, Nalanda duy trì vị thế tịnh xá có ảnh hưởng nhất. Các đời vua Dharmapala và Devapala nối tiếp nhau bảo trợ cho hoạt động tu hành, truyền bá đạo Phật. Mô hình “làng chu cấp cho chùa” cũng được nhiều nơi, ví dụ như Sumatra ở Indonesia, học theo.

Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XII, Nalanda nói riêng và các tịnh xá Phật giáo khác ở Ấn Độ nói chung đã không tránh khỏi làn sóng hủy diệt tàn bạo. Với tư tưởng “độc tôn Hồi giáo”, Tướng quân Bakhtiyar Khilji (? - 1206) của Afghanistan dẫn đội quân viễn chinh hùng mạnh nhất tàn sát khắp tiểu lục địa. Năm 1190, Khilji tới Magadha và san bằng Nalanda, đốt trụi đống đổ vỡ trong biển lửa.

Sau cuộc càn quét của Khilji, Nalanda hoang tàn rơi vào lãng quên. Mãi đến thế kỷ XIX, nó mới được giới khảo cổ học chú ý và đến thế kỷ XX thì được khai quật, trùng tu. Kết quả khai quật cho thấy, chiều dài của Nalanda là 488m còn chiều rộng là 244m, có 11 tịnh xá và 14 đền lớn, nhiều đình nhỏ, một lối đi rộng 30m… Dù không phải là nhỏ nhưng nó cũng không đủ sức chứa 11.500 người như nhà sư Huyền Trang đã kể.

Có điều, những gì được khai quật cũng có khả năng mới chỉ là một phần của Nalanda chứ không phải toàn bộ. “Đúng là cuộc tấn công của Khilji đã xóa sổ Nalanda nhưng đó không phải là lần duy nhất hệ thống tịnh xá này bị tàn phá.

Trước đó, ít nhất thì Nalanda cũng bị hủy hoại 2 lần, một lần vào thế kỷ V, do người Huns và lần nữa vào thế kỷ VIII, do Hoàng đế Gauda của Bengal”, Shankar Sharma - giám đốc Bảo tàng Khảo cổ Nalanda, nơi trưng bày 350/13.000 cổ vật Nalanda, chỉ ra.

Năm 2010, chính phủ Ấn Độ quyết định hồi sinh trường đại học cổ nhất thế giới bằng cách thành lập Đại học Nalanda, chỉ định là “trường đại học quốc tế có tầm quan trọng quốc gia”.

Năm 2016, Nalanda được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngày nay, Nalanda là quần thể di tích trải rộng 23ha, vẫn còn các tàn tích tịnh xá, đền lớn, đền nhỏ… Đối với các tăng ni và phật tử, đây luôn là địa điểm hành hương, chiêm niệm quan trọng. Du khách tới Nalanda thường xuyên nhìn thấy các nhà sư mặc áo cà sa màu đỏ đang đi dạo xung quanh hoặc ngồi thiền.

Theo bbc và wikipedia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ