Đại học Bách khoa Hà Nội cần sớm sơ kết mô hình để chia sẻ kinh nghiệm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 17/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến thăm, làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Tại cuộc làm việc, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng đã báo cáo về tình hình hoạt động trong bối cảnh mới của nhà trường, những kết quả đạt được và bài học điển hình; đồng thời nhận diện những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, cùng với định hướng, mục tiêu, lộ trình phát triển.

Trao đổi tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định sự tiên phong về mô hình mới của Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời cho biết, mô hình này khác với Đại học Quốc gia, khác với Đại học vùng và gần hơn với thông lệ quốc tế về đại học đa ngành. Với tính tiên phong này, Bộ trưởng đề nghị sớm nhất sau 3 năm Đại học Bách khoa Hà Nội cần sơ kết mô hình, có đánh giá ngay để chia sẻ kinh nghiệm cho những đơn vị đi sau.

Bộ trưởng cũng lưu ý Đại học Bách khoa Hà Nội cần đề xuất cơ chế chính sách thí điểm cho mô hình đại học đa ngành mới. Bên cạnh đó là sớm hoàn thiện mô hình, tính toán hệ thống các trường bên dưới trên cơ sở kinh nghiệm của của các Đại học Quốc gia, Đại học vùng đi trước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với một mô hình mới, theo Bộ trưởng việc nhìn nhận đúng những thuận lợi là rất quan trọng. Thuận lợi của Đại học Bách khoa Hà Nội trước hết là lịch sử, thương hiệu, là việc tiến tới một đại học từ thực lực bên trong, đã có có một bước quá độ là hình thành các đơn vị cấp dưới tương đối bài bản.

Thuận lợi tiếp theo, Đại học Bách khoa Hà Nội đang có tài sản quý giá nhất là nguồn nhân lực, với một đội ngũ đông đảo về số lượng, có chất lượng tốt. “Trường phải coi đây là nền tảng quan trọng nhất - việc này phải thành tuyên ngôn”, Bộ trưởng nói.

Thuận lợi của khối công nghệ và kỹ thuật trong việc hợp tác với doanh nghiệp, thuận lợi từ chỗ dựa quan trọng là thành tựu khoa học công nghệ đi trước, thuận lợi khi ngành Giáo dục đang xác định các trường thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật là ưu tiên hay thuận lợi khi vai trò của Bộ chủ quản đang chuyển động để phù hợp với tự chủ đại học… cũng được Bộ trưởng đề cập với Đại học Bách khoa Hà Nội, với mong muốn trường sẽ nhìn nhận đầy đủ và tận dụng được các thuận lợi này.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Trong bối cảnh mới, để thực hiện được đầy đủ quyền tự chủ, Bộ trưởng lưu ý Đại học Bách khoa Hà Nội cần tập trung hoàn thiện thể chế. Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện chiến lược, quy định nội bộ, luật chơi bên trong, lấy đó làm chỗ dựa, nền tảng cho tự do, bình đẳng, rõ ràng. Trong đó, cơ chế phối hợp giữa Hội đồng và Ban Giám đốc phải rất rõ ràng, rành mạch, đúng vai và đó chính là nền tảng cho đảm bảo sự đoàn kết, bền vững.

Một số vấn đề về mô hình đào tạo, trong đó phải bám sát cốt lõi công nghệ và kỹ thuật; vấn đề tài chính, trong đó về lâu dài không thể trông chờ vào học phí; vấn đề phát triển khảo thí như một trách nhiệm, đóng góp với ngành… cũng được Bộ trưởng chia sẻ và gửi gắm tới Đại học Bách khoa Hà Nội trong chặng đường mới.

“Mong rằng với khẩu hiệu bách khoa nhưng không nên trăm mối, mà bách khoa nhưng một mối, thống nhất trong đa dạng nhưng đa dạng phải thống nhất sẽ là tinh thần của Đại học Bách khoa Hà Nội trong đề án phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng đã báo cáo tại buổi làm việc.

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng đã báo cáo tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Đại học Bách khoa Hà Nội, Chiến lược phát triển 2017-2025 của nhà trường đã triển khai hiệu quả trong 5 năm vừa qua và được cụ thể hoá thành 10 nhiệm vụ cho giai đoạn 2021-2025.

Nhà trường có cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỷ lệ cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Tiềm lực và thành tích nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội đã dần tiệm cận với chuẩn mực khu vực. Danh tiếng và vị thế của nhà trường từng bước được nâng cao trong khu vực và trên thế giới.

Kết quả tuyển sinh hằng năm cho thấy Đại học Bách khoa Hà Nội luôn là địa chỉ thu hút những học sinh ưu tú nhất của cả nước. Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, người học để học tập, nghiên cứu, sáng tạo và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.

Với phương châm “Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học là trung tâm”, Đại học Bách khoa Hà Nội có môi trường làm việc quốc tế hoá, nơi hội tụ và phát triển tài năng, thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc, một trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã chúc mừng và trao các quyết định quan trọng cho ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo đó, công bố Quyết định chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội; trao quyết định công nhận Hội đồng ĐH, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Cụ thể, Hội đồng ĐH ĐH Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 có 23 thành viên, trong đó GS Lê Anh Tuấn là Chủ tịch Hội đồng. Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 là PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng.

Dịp này, các Nghị quyết chuyển chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám đốc ĐH, Thư ký Hội đồng và Kế toán trưởng cũng được công bố. Việc các vị trí lãnh đạo chủ chốt được cơ quan chủ quản thống nhất và đồng bộ sẽ tạo đà cho sự phát triển chung của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ngày 2/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1512/QĐ-TTg chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội, đánh dấu một mốc chuyển mình quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường.

Sự chuyển đổi này đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở ĐH Bách khoa Hà Nội, được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Nhà trường qua nhiều thế hệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ