Gây thiệt hại 1.338 tỷ đồng tại TrustBank
Phiên xử phúc thẩm được mở theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TPHCM và kháng cáo của các bị cáo, người liên quan, dự kiến kéo dài từ ngày 22 - 29/6. Hội đồng xét xử do thẩm phán Phan Thanh Tùng làm chủ tọa cùng hai thẩm phán Trần Văn Mười và Trần Thị Thu Thủy. Thẩm phán dự khuyết cho HĐXX là ông Nguyễn Đắc Minh. Kiểm sát viên tại phiên xử là hai ông Đặng Quốc Việt và Võ Phong Lưu.
Như vậy, sau nửa năm thụ lý, TAND cấp cao tại TPHCM quyết định mở phiên phúc thẩm đại án Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) giai đoạn 2 gây thiệt hại 1.338 tỷ đồng tại TrustBank.
Một điểm đáng chú ý, liên quan đến vấn đề dân sự, ông Phạm Công Danh và bà Phấn đều có kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại phán quyết của án sơ thẩm. Theo bản án sơ thẩm, bà Phấn đại diện nhóm Công ty Phú Mỹ mua gần 85% cổ phần TrustBank. Giữ chức vụ cố vấn cấp cao, nữ đại gia lợi dụng việc sở hữu phần lớn cổ phần, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng. Bà Phấn cũng thâu tóm toàn bộ HĐQT, Hội đồng đầu tư Ban điều hành cán bộ, nhân viên hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang...
Do muốn chiếm đoạt tiền ngân hàng huy động từ các tổ chức, cá nhân, bà Phấn đã chỉ đạo HĐQT và thuộc cấp làm các thủ tục để TrustBank đầu tư 1.037 tỷ đồng vào 4 dự án của Công ty Phú Mỹ, Công ty CP Địa ốc Lam Giang, Công ty TNHH Phú Mỹ.
Tuy nhiên, đại gia Sáu Phấn không dùng tiền này để đầu tư vào các dự án mà rút ra sử dụng cá nhân và đến nay chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm. Thiệt hại thực tế do bà Phấn gây ra từ sai phạm này là 901 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Phấn còn chỉ đạo thư ký Trần Thị Kim Loan và một số con cháu, nhân viên dưới quyền mua 4 bất động sản tại TPHCM và Nha Trang với giá hơn 220 tỷ đồng, sau đó mua bán lòng vòng nâng khống giá trị lên gấp 2 - 8 lần.
Sau đó, bà yêu cầu HĐQT, ban điều hành ngân hàng mua lại các bất động sản này với giá 661 tỷ đồng. Việc làm này gây thiệt hại cho ngân hàng thêm 437 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cáo buộc bà Phấn chiếm đoạt tổng cộng của TrustBank hơn 1.338 tỷ đồng.
Nguyên nhân kháng nghị của Viện KSND TPHCM
Sau khi TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND TPHCM có quyết định kháng nghị phần dân sự đại án này. Cụ thể, Viện KSND TPHCM đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm theo hướng buộc bị cáo Phấn phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 901 tỷ đồng cho Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (tiền thân là TrustBank, sau là VNCB). Đồng thời, đề nghị công nhận toàn bộ 114 bất động sản là quyền sử dụng đất đang thế chấp tại VNCB để bảo đảm cho các khoản vay thuộc quyền sở hữu của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. Việc này để bảo đảm nghĩa vụ dân sự của Tập đoàn Thiên Thanh và ông Danh phải thực hiện trong vụ án này cũng như các vụ án khác, giành quyền khởi kiện cho các bên liên quan nếu có bằng một vụ kiện dân sự khác.
Mặt khác, Viện KSND TPHCM cho rằng khoản tiền 901 tỷ đồng, HĐXX buộc bà Phấn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại buộc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi thường là trái pháp luật.
Cụ thể, 17 bất động sản ở Bình Dương thuộc 114 cái đang được kê biên để bảo đảm cho nghĩa vụ 29 khoản vay của bà Phấn chuyển giao cho ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh (khi mua ngân hàng). Thế nhưng, bà Phấn lại ký hợp đồng chuyển nhượng 90% cổ phần của bà tại Công ty Phú Mỹ cho bà Lý Kim Chi nhưng là hợp đồng không được công chứng và không được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Trong khi đó, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ tại TrustBank giữa ông Danh và bà Phấn được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận. Trong đó có việc chuyển giao 114 bất động sản nói trên.
Ông Danh đã chuyển số tiền 56,8 tỷ đồng cho bà Phấn để tất toán khoản vay được bảo đảm bằng 17 bất động sản ở Bình Dương. Do đó, 17 bất động sản này phải thuộc quyền quản lý sử dụng của ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. Việc bà Chi chỉ trả 90% cổ phần của bà Phấn để mua dự án là 136 tỷ đồng. Một phần trong dự án có 17 bất động sản trên liên quan đến việc bà Phấn đã chuyển giao cho ông Danh. Đây là tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ 56,8 tỷ đồng.
Từ đó, Viện KSND TPHCM cho rằng, việc HĐXX tuyên Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư và xây dựng Tân Đông Hiệp (của bà Chi) phải nộp lại số tiền 56,8 tỷ đồng và hơn 14 tỷ đồng tiền lãi và được nhận 17 bất động sản tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp là không có căn cứ. Điều này sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước khi bà Chi chỉ phải trả các khoản tiền mà được quyền định đoạt 17 bất động sản mà ông Danh đã mua này. Bà Chi chỉ được quyền sử dụng 17 bất động sản này khi phải mua đúng giá trị thực của nó chứ không phải là tiền vay và tiền lãi cho ngân hàng.
Đại gia với số lượng hầu tòa nhiều nhất
Bị cáo Phấn được xếp vào hạng đại gia Việt Nam với nhiều lần hầu tòa. Hồi tháng 11/2019, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Phấn 20 năm tù tổng hợp với các bản án giai đoạn 1 là 30 năm tù.
Đầu tháng 5/2018, bà Hứa Thị Phấn bị TAND cấp cao tại TP Hà Nội tuyên phạt (vắng mặt) mức án 17 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Cuối tháng 5/2018, TAND TPHCM tuyên phạt bà Phấn 20 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 20 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tháng 11/2018, bà này tiếp tục bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên phạt giữ nguyên mức án cùng của 2 tội danh mà TAND TPHCM đã tuyên.
Hiện bị cáo Hứa Thị Phấn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (quận 7, TPHCM) với nhiều bệnh và sức khỏe bị tổn hại 93%. Đại diện cho bà Phấn có luật sư Phạm Ngọc Trung và Lại Huy Tùng (Đoàn Luật sư TPHCM).