Tuy nhiên, dù mới bắt đầu, nhưng loại hình này cũng không tránh khỏi tình cảnh bị các “đại gia” ngoại “thâu tóm”...
Sức mạnh của công nghệ
Đánh giá của nhiều nghiên cứu, với dân số Việt Nam đông thứ 14 trên thế giới, thứ 8 ở châu Á và thứ 3 trong khu vực và tỷ lệ người sử dụng Internet chiếm 46% năm 2016, ngành bán lẻ trực tuyến Việt Nam hứa hẹn đầy tiềm năng.
Người tiêu dùng (NTD) bắt đầu có thói quen mua sắm qua mạng một phần vì những tiện ích của nó, một phần khác vì sự lôi cuốn của những quảng cáo hấp dẫn trên Internet.
Theo kết quả điều tra từ Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), doanh thu từ bán lẻ trực tuyến năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD (chiếm khoảng 3,57% trong tổng doanh thu bán lẻ của cả nước) và dự kiến đạt 10 tỷ đô la năm 2020.
Ước tính, trung bình mỗi người dân tiêu phí khoảng 160 USD cho mua sắm hàng hóa trên mạng. Ba nhóm hàng hóa được NTD ưu tiên lựa chọn mua sắm trên mạng là thời trang, mỹ phẩm (64%); hàng công nghệ, điện tử (56%); đồ gia dụng (49%).
Đặc biệt, hàng công nghệ điện tử tiếp tục được NTD tin tưởng lựa chọn mặc dù đây là nhóm hàng cần có sự tư vấn về mặt kỹ thuật và chức năng sản phẩm. Có lẽ do người mua đã có những trải nghiệm mua sắm trên mạng nên đã đặt niềm tin hơn vào các công ty bán hàng trên mạng.
Đồ gia dụng có sự gia tăng đột biến 42% trong năm 2015 so với 34% năm 2014 và 32% năm 2013. Sách và văn phòng phẩm là nhóm hàng thứ hai có sự gia tăng đáng kể, từ 20% năm 2013 lên đến 31% năm 2014 và 42% năm 2015.
Hiện hình thức mua sắm qua mạng đang rất đa dạng. Mua hàng trực tiếp từ các website bán hàng hóa/dịch vụ như Lazada, Lingo, C-discount là hình thức phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 76% trong năm 2015, tăng 7% so với năm 2014 (71%).
Bên cạnh đó, số người dùng diễn đàn mạng xã hội như Facebook để mua sắm cũng tăng từ 45% (năm 2013), 53% (2014) lên 68% (2015). Mạng xã hội đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong mua sắm.
Trong vài năm vừa qua, nhiều thương hiệu đã nhận biết được sức mạnh của mạng xã hội và tận dụng những thế mạnh của công nghệ này để giới thiệu sản phẩm, trao đổi với các khách hàng.
Tuy nhiên, hình thức thanh toán chủ yếu trong giao dịch thương mại trực tuyến vẫn là tiền mặt. Khảo sát gần đây cho thấy rằng tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt đã giảm 10% trong năm 2015 so với 2014 nhưng vẫn giữ ở mức rất cao, chiếm đến 91% so với 64% năm 2014.
Một điều ngạc nhiên nữa là thanh toán qua ngân hàng sau một năm giảm rõ rệt, từ 41% năm 2013 xuống chỉ còn 14% năm 2014 nhưng đến năm 2015, tỷ lệ này lại tăng đáng kể, chiếm đến 48%. Ngoài ra, còn một số hình thức thanh toán khác như thanh toán bằng thẻ cào (chiếm 6%), thẻ thanh toán (chiếm 20%).
Sự “tấn công” ồ ạt của “đại gia” ngoại
Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của bán lẻ trực tuyến, người ta lại lo ngại những “chân rết” thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử đã rơi vào tay các ông lớn nước ngoài thông qua mua bán và sáp nhập (M&A).
Hiện nay, công ty có doanh số bán lẻ trực tuyến cao nhất là Công ty TNHH Recess và Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ. Công ty TNHH Recess được sự đầu tư từ công ty mẹ là Tập đoàn Rocket Internet cùng với Tập đoàn bán lẻ Tesco, Recess hiện nay là công ty sở hữu cả hai website lớn: Lazada và Zalora.
Tuy nhiên, năm 2016, Lazada được chuyển nhượng cho Tập đoàn bán lẻ Alibaba với giá 1 tỷ USD. Còn Central Group (Thái Lan) mua Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim. Sen Đỏ với 5.300 nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ cùng với hàng trăm ngàn sản phẩm đa dạng cũng đã có mức doanh thu tăng 45% trong năm 2015.
Ngoài ra, Sen Đỏ cũng tận dụng lợi thế từ nhóm khách hàng mới của trang web 123mua.vn mà Sen Đỏ vừa mới mua lại. Sen Đỏ cũng vừa công bố kế hoạch hợp tác chiến lược với ba nhà dịch vụ Internet hàng đầu của Nhật, bao gồm SBI holdings, Econtext Asia, Beenos. Những trang web có doanh thu lớn tiếp theo là tiki.vn (4%),
chodientu.vn (3%), ebay.vn (2%) và kay.vn (1%).