Có hai điều ấn tượng tại kỳ họp. Thứ nhất hoạt động chất vấn đã được cải tiến, câu hỏi rút ngắn 1 phút, câu trả lời 3 phút, điều này làm tăng số nội dung được hỏi và tăng nội dung được trả lời.
Đây là điều rất thiết thực. Cũng chính vì vậy nên có yếu tố tranh luận. Đây là dấu hiệu tốt, có tính đa dạng, phản biện và tương tác tăng lên, đây là mặt tốt cần phát huy.
Thứ hai là sự quan tâm, đóng góp của cử tri, nhân dân đối với một số chủ trương chính sách, một số luật mà sắp được ban hành.
Chẳng hạn như dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Sự quan tâm này thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của cử tri, nhân dân trước vận mệnh của đất nước, trước những luật pháp mà Quốc hội ban hành. Đây là dấu hiệu rất tốt.
* Phiên chất vấn được đổi mới theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Vậy đại biểu đánh giá như thế nào về phần trả lời của các thành viên Chính phủ?
- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Nói chung các câu trả lời đáp ứng được yêu cầu, các Bộ trưởng đã nắm vững vấn đề của mình và trả lời đúng trọng tâm, thể hiện được bản lĩnh, năng lực của mình rất tốt.
Một số câu trả lời tuy vẫn còn chung chung, một phần do thời gian để trả lời còn ngắn nên các thành viên Chính phủ chưa trả lời hết . Tuy nhiên các thành viên đã hoàn thành trách nhiệm của mình trong phiên trả lời chất vấn.
* Theo đại biểu, tại kỳ họp lần này, các đại biểu đã thể hiện được hết mong muốn của cử tri hay chưa?
- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Tôi chờ đợi tiếng nói của đại biểu Quốc hội rộng rãi hơn đối với nhiều vấn đề bức xúc. Tất nhiên tôi không cho rằng những người không lên tiếng là không quan tâm, nhưng họ có những ngần ngại và chọn lựa nào đó.
Theo tôi mỗi kỳ họp Quốc hội là nơi các đại biểu lộ chính kiến, là nơi để đại biểu góp suy nghĩ, trí tuệ, kinh nghiệm, kiến thức của mình vào những công việc diễn ra trong kỳ họp, nhất là những vấn đề mà nhân dân quan tâm.
Tôi cho rằng, các đại biểu Quốc hội phải tham gia nhiều hơn, rộng hơn. Ví dụ, các đại biểu đều biểu quyết hoãn lại dự thảo luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Tuy nhiên khi thảo luận trước đó thì không có nhiều ý kiến, điều này gây ra cách hiểu là các đại biểu chưa quan tâm. Tôi cho rằng cần rút kinh nghiệm.
Một số kỳ họp vừa rồi tôi rất e ngại về chất lượng của các dự thảo luật, một số dự thảo luật chất lượng soạn thảo còn thấp. Tôi cho rằng các Ủy ban của Quốc hội cần tăng cường trách nhiệm giám sát, nếu dự thảo luật nào chất lượng còn thấp quá thì không nên đưa ra để thảo luận, và buộc cơ quan soạn thảo phải tăng cường sửa đổi, bổ sung. Vì khi ra Quốc hội thì không thể làm thay ban soạn thảo được về chỉnh sửa câu chữ, ý tứ nữa.
Nhất là một số dự thảo luật có tác động rộng rãi sâu sắc thì phải thận trọng, công việc đo lường tác động phải được thực hiện trước và thực hiện một cách bài bản, thận trọng.
Vừa qua đánh giá tác động của Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là chưa chuẩn xác, khi đưa ra nhân dân phản hồi. Như vậy rõ ràng chúng ta đánh giá tác động chưa hết.
Xin cảm ơn đại biểu!