Ông Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Quốc hội TP.HCM, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đồng tình với việc tổ chức kỳ thi phổ thông quốc gia 2015.
"Cách làm này cũng theo xu hướng của thế giới hiện nay, tức là chúng ta không có kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mà chỉ tổ chức tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông" - Ông Đạt nói.
Vị đại biểu này lấy ví dụ như ở Mỹ, học sinh sẽ thi SAT, thí sinh cứ đến tổ chức thi đó, cầm theo kết quả để nộp và xét tuyển đại học. "Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn và hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người, hàng triệu gia đình", vị đại biểu này nói.
Tuy việc đổi mới này sẽ gây ra một số xáo trộn trong tâm lý của các em học sinh lớp 12 nhưng do đây là cách thức thi tiên tiến nên ông Đạt vẫn ủng hộ phương án này.
Ông Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng việc tổ chức 2 cụm thi như phương án của Bộ GD&ĐT nêu ra sẽ tạo ra hai loại bằng phổ thông. Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng Bộ GD-ĐT nên tổ chức một cách nhẹ nhàng, tránh gây căng thẳng cho học sinh và phụ huynh
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM nêu ý kiến " Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy chế thi và tăng cường công tác truyền thông giải thích về cách thi mới này" - Đại biểu Tâm nêu ý kiến.
Vị đại biểu này cũng kiến nghị các trường đại học nên sớm ban hành quy chế tuyển sinh riêng về trường của mình để cử tri, đặc biệt là phụ huynh, học sinh chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi sắp tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Nhìn thẳng vào thực tế, đại biểu Huỳnh Thành Đạt cho rằng giáo dục đại học ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng "đầu vào khó, đầu ra thì dễ" nên cứ có sinh viên vào học thì dễ dàng có sinh viên ra trường.
"Bộ GD&ĐT và các trường đại học cũng bắt đầu nhận thức về chuyện này, cho nên dần dần sẽ siết chặt đầu ra, quản lý đầu ra chặt chẽ hơn chú không như hiện nay" - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM thông tin thêm tới các vị đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nêu lại thực tế việc quản lý đầu ra hiện nay ở các trường đại học hết sức lỏng lẻo. Việc đào tạo không tương thích với thị trường lao động. Vì vậy, thực tế hiện nay sinh viên học 4 - 5 năm nhưng khi ra trường, người chủ lao động vẫn phải đào tạo lại.
Việc đào tạo đại học như hiện nay đang gây tốn kém tiền của, nhân lực của xã hội. "Bây giờ, không thi tuyển nữa mà là xét thì đầu ra sẽ như thế nào khi chưa thay đổi cung cách giảng dạy, đào tạo ở các trường đại học. Như vậy thì nó ngược hay xuôi?" - Đại biểu Quyết Tâm đặt vấn đề.
Chia sẻ thêm với các vị đại biểu, ông Huỳnh Thành Đạt cho rằng hiện nay các trường đại học cũng đề ra những quy định, quy trình để hạn chế tối đa những tiêu cực trong thi cử và đảm bảo kết quả tuyển sinh đáng tin cậy.
Vị Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cũng nhấn mạnh các trường đại học cần thay đổi phương thức tuyển sinh. "Các trường phải có biện pháp chọn những người học giỏi thực sự qua việc các em học phổ thông, thi tuyển hay xét các chỉ số liên quan đến chỉ số thông minh, thậm chí là viết bài luận, để tuyển một người đảm bảo về khả năng chuyên môn".
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt lấy ví dụ việc tuyển chọn vào trường Y đã được nhiều nước thực hiện có sự khác biệt với Việt Nam. Ở nhiều nước các em học trường Y thì phải học trước một chương trình đại học nào đó khoảng 4 năm, sau đó các em dự xét tuyển vào trường Y.
Sau khi tốt nghiệp trường Y ra đi làm, các em phải qua đợt kiểm tra rất gắt gao về suy nhĩ của mình về nghề Y để xem đủ chuyên môn, đủ tư cách để ứng xử tốt với bệnh nhân không.