Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Sỹ Điền |
* Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình: Không để tái diễn sai phạm
Liên quan đến sai phạm trong gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời rất rõ là đối với Hà Giang và Sơn La, Công an tỉnh thực hiện điều tra, làm rõ. Các cơ quan này đã kết thúc điều tra để chuyển sang truy tố những đối tượng có hành vi vi phạm, để sớm đưa ra xét xử theo đúng quy định.
Riêng đối với tỉnh Hoà Bình, do đây là loại tội phạm rất mới nên cơ quan điều tra của Bộ Công an trực tiếp xử lý vụ việc này theo đúng quy định. Sự việc đang được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và sẽ sớm có kết luận để thông tin với cử tri và nhân dân. Quan điểm là xét xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý cán bộ, tập thể phải được làm tuần tự.
Trước hết phải kết luận có hành vi sai phạm. Hành vi sai phạm phải chờ kết quả điều tra. Trên cơ sở kết quả điều tra, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đó để xử lý về mặt Đảng, chính quyền. Tôi biết rằng, Tỉnh uỷ Hoà Bình đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm, làm quyết liệt, không có vùng cấm trong việc xử lý hành vi vi phạm, cho dù đó là cán bộ công chức hay giữ chức vụ nào trong bộ máy của tỉnh. Bởi vì đây không còn là công việc nội bộ của địa phương mà là vấn đề lớn của xã hội. Do đó, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, khách quan theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó vừa có tác dụng phòng ngừa răn đe, không để tái diễn gian lận trong thi cử trong tương lai, đồng thời là bài học đắt giá để các cán bộ, công chức, viên chức không dám làm ăn gian dối trong tất cả lĩnh vực.
Khi vụ việc xảy ra ở tỉnh Hòa Bình, không chỉ cá nhân tôi mà các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương đều nhận thấy, đây là trách nhiệm của mình. Tôi cũng trao đổi với đồng chí Trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh là Phó Chủ tịch UBND tỉnh rằng, trách nhiệm chính trị thì mình không thể thoái thác được. Vì sự việc xảy ra trên địa phương mình, sai phạm do cán bộ công chức của tỉnh gây ra... nên dù cán bộ đảng viên giữ chức vụ gì hay người dân bình thường cũng cảm thấy rất buồn và thấy trách nhiệm của mình. Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng, trước hết phải khắc phục những sai phạm; quan tâm hơn để không tái diễn sai phạm trong tương lai.
|
* Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Quan trọng là yếu tố con người
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý trách nhiệm các cán bộ công chức, viên chức của tỉnh Sơn La liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 là rất khách quan, trách nhiệm, theo đúng quy định của Đảng. Trước hết, Ủy ban kiểm tra cấp dưới kiểm tra đảng viên của mình, sai phạm tới đâu thì xử lý nghiêm tới đó và tùy theo mức độ sai phạm. Nếu Ủy ban kiểm tra phía dưới xử lý kỷ luật đảng viên chưa đúng quy định thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ vào cuộc để xử lý đúng người, đúng tội.
Thực ra, tôi thấy xử lý kỷ luật của chúng ta rất nghiêm minh, không có vùng cấm. Khi xảy ra sai phạm ở địa phương nào đó thì người đứng đầu bị xử lý. Ở Sơn La, Trưởng ban chỉ đạo thi là Phó Chủ tịch tỉnh đã bị kỷ luật Cảnh cáo vì chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cũng bị kỷ luật, chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La cũng bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới. Đây là hình thức xử lý trách nhiệm rất nghiêm minh. Lãnh đạo tỉnh Sơn La đã rất cầu thị, tinh thần trách nhiệm. Tôi đánh giá cao Phó bí thư thường trực tỉnh đã phát biểu xử lý nghiêm sai phạm trong thi cử năm 2018.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có sai phạm nhưng tôi tin tưởng và hy vọng rằng Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp tới sẽ tốt và tốt hơn nhiều. Tuy nhiên có tiêu cực hay không thì đều xuất phát con người. Dù quy trình có khắt khe, nghiêm ngặt đến thế nào đi chăng nữa nhưng con người trực tiếp thực thi nhiệm vụ từ trước, trong và sau khi thi cử, họ không có cái tâm thì chất lượng kỳ thi sẽ không tốt. Nên yêu cầu đặt ra là, trong thực thi nhiệm vụ, mỗi cá nhân phải thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, khách quan, coi thi, chấm thi phải nghiêm minh và phải công tâm.
Trước tiên, địa phương có vai trò quan trọng trong việc tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia ở địa phương mình. Từ việc tổ chức điểm thi, coi thi, chấm thi, bảo quản đề thi, bài thi an toàn cho đến bảo đảm trật tự an toàn của nơi diễn ra kỳ thi… Địa phương quyết tâm cao thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sai phạm xảy ra, nhất là vấn đề phân công bố trí con người tham gia làm nhiệm vụ đối với kỳ thi. Đặc biệt, địa phương phải chọn lựa thật kỹ, khách quan, nghiêm túc từng cá nhân tham gia vào các công đoạn của kỳ thi.
Với những gì Bộ GD&ĐT và các ngành chức năng cùng các địa phương đã và đang triển khai thực hiện, tôi tin rằng Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ thành công.