Đại biểu Quốc hội: Chống tội phạm trên không gian mạng chưa thực sự đáng yên tâm

GD&TĐ - Chiều 21/11, phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc phòng, chống tội phạm trên không gian mạng chưa thực sự đáng yên tâm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).

Vẫn còn nhiều tình trạng ‘bạo lực mạng’

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, trong công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tình hình vẫn chưa thực sự đáng yên tâm.

Vẫn còn nhiều tình trạng bạo lực mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả. Mạng xã hội là công cụ cần thiết cho việc học tập, làm việc, thu thập tin tức, trao đổi, giải trí, nhưng cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh.

Theo Điều 30 Luật An ninh mạng, chúng ta đã có lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Trên thực tế, lực lượng này đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên lực lượng này cần thường xuyên rà soát môi trường thông tin trên mạng xã hội để nhắc nhở, cảnh cáo, có sự can thiệp phù hợp, để kịp thời xử lý một cách thích đáng các loại hình tội phạm trên không gian mạng.

Theo đại biểu, có thể cần xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng để phù hợp với nhiều bước phát triển mới của môi trường mạng xã hội cũng như sự biến tướng của các loại hình tội phạm trên môi trường này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng cần có giải pháp căn cơ ngăn chặn tội phạm ma túy.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng cần có giải pháp căn cơ ngăn chặn tội phạm ma túy.

Qua nghiên cứu Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) đánh giá cao việc Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp. Qua đó bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm.

Mặc dù đã có những cố gắng nhưng theo đại biểu nhìn chung thực trạng tội phạm vẫn đang gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản; trong đó có tội phạm về ma túy là vấn đề mà cử tri và nhân dân là hết sức quan tâm…

Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông dẫn chứng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện dịch vụ lưu trú diễn ra ở nhiều địa phương.

Xuất hiện một số loại ma túy, hình thức núp bóng dưới thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm đã gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên.

Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá và đề ra những giải pháp căn cơ để giải quyết, ngăn chặn loại tội phạm này trong thời gian tới.

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa), chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp được cử tri và Nhân dân quan tâm. Sự nỗ lực của các cơ quan rất đáng ghi nhận nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước; chưa tạo lập niềm tin vững chắc với người dân.

Cho ý kiến về báo cáo của Viện KSND tối cao, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đánh giá, báo cáo rất khái quát nhưng lại rất cụ thể, phản ánh được sự đóng góp to lớn của ngành Kiểm sát trong việc giữ gìn bảo vệ hiến pháp vào bảo vệ pháp luật, quá trình thực thi pháp luật trong thực tiễn cuộc sống đất nước ta.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp được cử tri và Nhân dân quan tâm.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp được cử tri và Nhân dân quan tâm.

Đại biểu đoàn Khánh Hòa nhận thấy, báo cáo mới chỉ nêu được những việc đã làm của ngành kiểm sát theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trước diễn biến về tình hình tội phạm vi phạm pháp luật cũng như tình hình khiếu kiện hành chính tranh chấp dân sự kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình, tình hình những năm tiếp theo năm 2024, 2025 sẽ như thế nào, trong báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao chưa đưa ra được những dự báo để ngành kiểm soát có thể làm tốt hơn công tác được giao phó trong thời gian tới.

Báo cáo cũng chưa đề xuất được với Quốc hội những giải pháp đối với việc đối phó với tình hình có liên quan đến chức năng của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và thực thi pháp luật trong từng lĩnh vực.

Đại biểu cũng cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, đã đạt được những kết quả nhất định, ngành Kiểm sát đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh này.

Tuy nhiên, đấu tranh với tội phạm tham nhũng ngay trong hoạt động tư pháp đang là vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm. Trong báo cáo có nêu về các số liệu vụ án, số bị can bị các cơ quan điều tra Viện KSND tối cao khởi tố điều tra.

Viện KSND tối cao cũng đã khởi tố điều tra các bị can là công chức ngành Kiểm sát về tội nhận hối lộ và không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, nhưng ở các ngành khác như công an, tòa án, việc vi phạm pháp luật ở các cơ quan điều tra cơ quan xét xử tại sao lại không được nêu trong báo cáo.

Đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao nên có báo cáo bổ sung rõ hơn nội dung này với Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Truyện ngắn: Quà Trung Thu cho con

GD&TĐ - Con bé Hiền len lén nhìn mẹ rồi rón rén đưa tay mân mê mấy cục bột trên bàn. Bỗng nó vội rụt ngay tay lại bởi bị mẹ phát hiện.

Minh họa/INT

Sốt và sốt kéo dài

GD&TĐ - Nhiều người cho rằng sốt thì không tốt, sốt là bệnh. Nhưng thực ra, sốt cũng có những đặc điểm tích cực của nó.