Đại biểu này dẫn báo cáo của Chính phủ, năm 2018 đã phát hiện 24.931 vụ, tăng 6,04 vụ so với năm 2017. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 224.690 người, tăng hơn 2 nghìn người so với năm 2017.
Con số thực tế còn nhiều hơn, nhiều trường hợp sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, ngáo đá, gây ra các vụ phạm tội nghiêm trọng.
Đáng chú ý tội phạm tệ nạn ma túy đã mở rộng địa bàn hoạt động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, xâm nhập vào học đường.
Các loại ma túy liên tục xuất hiện nhiều loại cực độc gây tác hại nghiêm trọng cho người sử dụng.
Tuy nhiên, việc phát hiện, nhận diện loại ma túy mới còn nhiều hạn chế. Việc thanh, thiếu niên sử dụng chất gây nghiện ma túy tại các quán bar, vũ trường và một số lễ hội âm nhạc khá phổ biến,... nhưng chưa được tập trung kiểm soát.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục về đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác và trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, dân cư, nhất là trong thanh thiếu niên.
Đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục người phạm tội trong gia đình ở địa bàn dân cư, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục chỉ đạo ngành Công an thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an với các ngành đoàn thể về phòng ngừa tội phạm ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy, chất gây nghiện với số lượng lớn...