“Đặc sản” áo dài

GD&TĐ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong đề cương, tỉnh này đã đưa ra những nhiệm vụ chính để xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài. Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế và các chương trình, hoạt động tổ chức quảng bá về hình ảnh áo dài. Đồng thời tổ chức ngày hội áo dài định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế…

Ngoài ra, tỉnh này cũng xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo áo dài Huế phát triển. Hình thành trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang áo dài.

Đặc biệt, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Phát động, nhân rộng phong trào mặc áo dài trong các không gian lễ hội, lễ nghi truyền thống, hình thành trang phục truyền thống các ngành nghề...

Có thể nói, việc xây dựng Huế thành kinh đô áo dài là mục tiêu thể hiện tầm nhìn văn hoá rất đúng đắn. Huế có gì? Ngoài lăng tẩm, đình đền thì áo dài Huế mới chính là đặc trưng thể hiện cốt cách Huế. Áo dài Huế gắn liền với phong thái cố đô, cũng như phong cách truyền thống của vùng đất này.

Dù rằng, áo dài là trang phục chung của người Việt Nam - luôn coi là quốc phục dù chưa có một văn bản xác tín nào. Nhưng người Việt cũng biết rằng, áo dài là đặc trưng xứ Huế khi gắn liền với lịch sử ra đời.

Áo dài bắt nguồn từ năm 1744 sau khi lên ngôi ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi y phục. Chính vì thế, chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài, gắn liền với văn hoá và triều cương.

Từ chiếc áo dài xứ Bắc xẻ giữa thân trước thành hai vạt không khuy, đến chiếc áo dài vạt xẻ thành tà. Từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ mặc trong những dịp trọng đại. Bởi vậy, ở Huế dù thời chiến hay thời bình, dù ngày lễ hay ngày thường vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh áo dài trên phố.

Và một đặc trưng nữa làm cho Huế thêm đặc biệt bởi sắc tím áo dài. Không phải chỉ đến Huế, du khách mới thấy áo dài màu tím, nhưng chỉ khi đến Huế thì màu tím áo dài mới trở nên thuần khiết đúng chất “lầu son gác tía”.

Cùng với đình đài cổ kính, cùng với kinh thành uy nghi, cùng với cầu Trường Tiền trăm năm in bóng sông Hương thì màu tím áo dài trở nên thướt tha, dịu dàng hơn bất cứ đâu. Văn hoá là vậy, hồn cốt văn hoá là thế, dễ cảm nhận mà khó lý giải.

Rồi đây, Huế có thể trở thành kinh đô áo dài, và áo dài Huế có thể được công nhận là di sản văn hoá. Nhưng thực tình mà nói, những danh hiệu dù rất cao quý cũng không quan trọng bằng tình yêu của người dân Huế với tà áo dài quê hương.

Bởi vậy, Huế cần chú trọng đến nội hàm văn hoá truyền thống, vì áo dài không phải là phong trào. Áo dài luôn phát xuất từ tình yêu và sự tiếp nối văn hoá truyền thống, nên trải qua trăm năm thăng trầm, áo dài Huế vẫn không mất đi vóc dáng kinh thành – hữu xạ tự nhiên hương, là thế!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ