Đã yêu, đã cưới, sao chồng lại hững hờ?

“Chồng em có yêu em không chị?”. Trân hỏi tôi câu này rất nhiều lần trong lúc trò chuyện.

Đã yêu, đã cưới, sao chồng lại hững hờ?

Trân là hàng xóm của tôi. Em lấy chồng năm trước, từ hỏi tới cưới chỉ có ba mươi ngày. Đám cưới rất vui vì cô dâu chú rể đều làm công nhân, bè bạn hai bên đông nườm nượp. Nhưng sau khi sinh con, em về nhà cha mẹ ruột đã hơn một tháng mà chồng chưa ghé thăm lần nào. "Anh ấy có yêu em không chị?". Tiếc thay, tôi không trả lời cho Trân được. Vì nếu không yêu sao anh quyết bảo vệ tình yêu của mình để cưới em. Nếu yêu, sao nỡ đứng bên lề những khó khăn cùng cực của Trân?

Trân nói chắc tại em “bất hiếu” nên “trời trả báo” thế này. Hơn một năm trước, tốt nghiệp 12, Trân đi làm công nhân ở Đồng Nai thì ba mẹ kêu về quê nhà Long An “gả chồng”. Chồng tương lai của em là chú Tửng - người đàn ông hàng xóm mà trước nay em luôn gọi “chú” bởi hơn em 15 tuổi. Ba mẹ Trân bảo, lớn tuổi một chút, nhưng người ta đã có căn cơ nhà cửa, Trân lại không phải làm dâu. Cưới nhau xong, hai mẫu chanh không hạt của chồng sẵn có, vợ chồng cùng nhau canh tác cũng đủ no ấm rồi. Nhưng em không đồng ý, vì không yêu thương, và cái chính là Trân đã có “bạn trai” rồi. Mẹ em dọa, nếu em không về thì ngày xem mắt cô dâu cũng là ngày giỗ của mẹ!

Còn mươi ngày nữa là tới ngày xem mắt. Trân và bạn trai đã nhờ một người bác họ của em, người “có uy” nhất trong dòng họ đến nhà phân tích thiệt hơn, năn nỉ ỉ ôi để ba mẹ Trân chấp nhận tình yêu của hai đứa.. Cũng may là người bác họ ấy khéo ăn nói nên đã thuyết phục được ba mẹ em. Đám cưới sau đó cũng diễn ra, với người Trân yêu chứ không phải với người ba mẹ em chọn. Nhưng, sự buồn giận của hai đấng sinh thành xem ra vẫn còn âm ỉ nên suốt một năm Trân về thăm nhà có hai lần, ba mẹ em cũng không thắc mắc. Em mang bầu, có được chăm sóc thai sản không, ba mẹ cũng không quan tâm. Mãi đến khi chuẩn bị sinh con, Trân mới biết mình bị viêm gan C. Đứa trẻ phải bú bình, cuốn theo tiền lương công nhân của chồng Trân như gió vào nhà trống.

Sinh con so, cha mẹ chồng em bảo vì là “đích tôn” nên hãy để nhà chồng chăm sóc. Nhưng thật ra, một cái tã lót của em bé, một lọ dầu gió của trẻ sơ sinh, một chai thuốc vệ sinh của sản phụ… mẹ chồng cũng buộc con dâu đưa tiền mua. Bà còn bảo Trân phải “gửi” bà tiền “công lao động” vì bận chăm sóc mẹ con em, bà không đi làm được. Trân đã xài vàng cưới và tiền tiết kiệm đến đồng cuối cùng, bản thân em chưa được một viên thuốc nào trị bệnh viêm gan C này.

Trân không dám nói với mẹ ruột, vì sợ mẹ giận chuyện xưa… Vậy mà mẹ cũng hay được qua một người bạn của em. Bà thuê xe tới nhà anh chị sui để rước con gái về. Câu chuyện làm dâu của Trân dần được hé lộ:

- Cưới xong thì chồng một nơi, vợ một nơi. Em ở nhà làm dâu, chồng thì đi làm xa nhà 70km, mỗi tuần chỉ về được một ngày. Việc làm dâu của em - mẹ chồng bảo - “đơn giản” lắm, nhà trong đồng trong rẫy mà chỉ có ba người, ăn uống cũng không cầu kỳ gì. Rau dại quanh nhà, cá khô ngoài quán tạp hóa. Hàng ngày cha chồng ở nhà chăm vườn mai kiểng, mẹ chồng nấu ăn giặt giũ cho cả nhà. Em chỉ việc chăn 18 con trâu thịt sao cho mỗi ngày đều no cỏ… Mà chị không biết đâu, chăn trâu thịt cực hơn trâu cày nhiều lắm. Hàng ngày đưa trâu ra kênh, ra ruộng cho chúng tự ăn thì mình cũng đi cắt cỏ. Trâu cày ăn một thì trâu thịt ăn gấp ba lần.

Có hôm em mải đi tìm cỏ mà không biết đường về… Nhà chồng em chuyên nghề nuôi trâu thịt, cứ vài tháng xuất chuồng một lứa. Mùa khô ít cỏ nhưng không vì thế mà trâu nuôi ít hơn. Em là dâu mới, lạ nước lạ cái mà mỗi ngày cứ phải lo cho 18 con trâu no bụng mới yên với mẹ chồng. Nếu không… chị có biết, có khi em ăn rau dại thay cơm không? Đó là những ngày em mệt, không cho trâu ăn no… Nhưng chồng em nào có biết. Em có nói anh cũng không tin.

Khó khăn em không ngại, chỉ có điều, khi em mang thai thì không được khám thai, các mũi thuốc chủng ngừa cho mẹ bầu em cũng không được tiêm đầy đủ. Một tuần chồng em chỉ về nhà ngày Chủ nhật, “thời gian vàng” của vợ chồng là cùng nhau… đi chăn trâu. Chiều về mệt mỏi rã rời, còn đâu thời gian mà đưa vợ đi khám thai. Em xứ lạ quê người, cũng không biết trạm y tế nằm ở đâu, nhờ mẹ chồng chở đi khám thì bà bảo “con trẻ, khỏe vậy mà bịnh đau gì. Mẹ sanh bốn đứa con mà có biết mũi thuốc ngừa tròn méo ra sao đâu!”.

Khi em sinh con, chồng về được hai ngày ở bệnh viện rồi đi làm tiếp. Hơn một tháng nay, chồng về thăm mẹ con em được ba lần. Em bệnh nhưng không được thuốc men chăm sóc, mẹ chồng lấy cớ “không phải cho con bú thì không cần ăn bồi dưỡng” nên sản phụ chỉ ăn rau cỏ quanh nhà.

Gần ngày đầy tháng con, mẹ chồng em bảo bà đi coi thầy, thầy bảo con em “khắc tuổi” bà ngoại nên khỏi mời anh chị sui luôn. Chồng em tối mịt ngày hôm đó mới về. Em hỏi “Sao anh về trễ vậy” thì anh cáu: “Mắc mần tối mặt tối mũi chứ ăn ở không nằm đó như em sao mà muốn làm gì thì làm!”. “Bữa đó em khóc hết nước mắt”.

Hôm sắp rước Trân về, mẹ gọi điện cho chồng em thì anh ấy bảo “Cuối tuần con về rồi tính”. Mẹ Trân không đồng ý, nói chuyện đã hơn một tháng chứ một ngày một bữa gì đâu mà chờ đến cuối tuần? Bây không tính được thì tao rước con gái tao về. Trân về theo mẹ, vì thật sự là cơ cực, thiếu thốn ở nhà chồng em không chịu nổi nữa.

Nhưng, em về đây đã hơn tháng mà chồng em chưa một lần về thăm, Cũng không gửi một đồng nào mua sữa cho con. Trăm sự đều trông cậy vào ông bà ngoại, mà ba mẹ em cũng không dư dả gì… Em nhớ anh lắm và tự hỏi anh có yêu em không? Bây giờ em không biết làm sao. Tiền không có, tình chơi vơi, đời thì quá dài, con thì quá nhỏ…

Chia tay nhau, Trân ngập ngừng bảo, nếu biết cuộc sống hôm nay nhiều va vấp thế này, thà ngày trước vâng lời cha mẹ cho tròn chữ hiếu, chắc sẽ đỡ khổ tâm hơn chị há? Lời bà mẹ tuổi 20 đang chông chênh giữa tình đời, tình yêu cứ làm tôi ray rứt mãi...

Theo Phunuonline

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ