Đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn phải đeo khẩu trang

GD&TĐ - Người dân được khuyến cáo thực hiện các quy tắc phòng, chống dịch dù đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Bởi, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin không đạt 100%, đặc biệt là khi “đối mặt” với các biến thể mới.

Người tiêm phòng vắc-xin Covid-19 vẫn sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Ảnh minh họa.
Người tiêm phòng vắc-xin Covid-19 vẫn sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Ảnh minh họa.

Những đột biến “đáng gờm”

Biến thể của virus SARS-CoV-2 với tên gọi B.1.617 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ. Biến thể này hiện trở nên phổ biến không chỉ trong làn sóng dịch bệnh của Ấn Độ, mà còn ở các quốc gia khác.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ), có ba đột biến trên chủng B.1.617 khiến giới chuyên gia “quan ngại”.

Trước hết, đó là E484Q. Đột biến ở vị trí 484, thay thế amino axit glutamic thành glutamine. Đột biến này khá giống với biến E484K trên chủng Nam Phi, thay thế amino axit glutamic thành lysine.

Đột biến này được dự đoán có thể tạo ra khả năng liên kết mạnh hơn của virus với thụ thể ACE2 của con người (tăng khả năng lây nhiễm), cũng như khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch của vật chủ tốt hơn.

Ngoài ra, đột biến tiếp theo là L452R. Đột biến ở vị trí 452, được tìm thấy trước đó trên chủng biến thể ở California, thay thế leucine thành arginine. L452R cũng tạo ra ái lực mạnh hơn của protein đột biến đối với thụ thể ACE2 và giảm khả năng nhận biết của hệ thống miễn dịch.

TS Vũ đồng thời đề cập tới đột biến P681R. Đột biến ở vị trí 681 làm thay thế proline thành arginine. Điểm đột biến này nằm ở vị trí cắt enzyme furin trên protein S. Quá trình cắt này giúp virus xâm nhập thành công bên trong tế bào. Do đó, đột biến này giúp tăng khả năng lây nhiễm của virus.

Cẩn thận với “nhiễm đột phá”

Bộ Y tế thông tin, trong ngày 11/5, có thêm 20.732 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Như vậy, tính đến 16 giờ ngày 11/5, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 cho 887.705 người tại các tỉnh, thành phố.

TS.BS Phạm Nguyên Quý - Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto (Nhật Bản) dẫn chứng: “Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) ngày 15/4 vừa qua báo cáo rằng, có 5.800 người nhiễm virus dù tiêm phòng đủ hai liều. Trong đó, 74 người chết và 396 người phải nhập viện”.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa ghi nhận một số ca mắc Covid-19 là nhân viên y tế, dù họ đã được tiêm vắc-xin.

Điều này làm nhiều người nghi ngờ về khả năng bảo vệ của vắc-xin và cho rằng, tiêm phòng chưa chắc đã hiệu quả. Tuy nhiên, theo TS Phạm Nguyên Quý, quan điểm đó không chính xác.

Lý giải về tình trạng nhiễm bệnh sau khi tiêm vắc-xin, chuyên gia này cho rằng, đó là “nhiễm đột phá”. Điều quan trọng là, các nhà khoa học không bất ngờ trước hiện tượng này. TS Quý nhấn mạnh, lý do đầu tiên là bởi, vắc-xin không có hiệu quả bảo vệ 100%.

Bên cạnh đó, thời điểm tiêm chủng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ. Chuyên gia này cho biết, một người sẽ được xem là đã tiêm chủng đầy đủ sau hai tuần, kể từ khi nhận được tất cả các liều vắc-xin. Điều này đồng nghĩa rằng, những người mới tiêm chủng vẫn có thể nhiễm Covid-19.

Lý do là bởi, cơ thể cần thời gian để tạo ra đủ kháng thể. TS Quý dẫn chứng, một số báo cáo cũng cho thấy, có trường hợp nhiễm bệnh xảy ra giữa 2 mũi tiêm, hoặc khi chưa qua đủ 2 tuần sau tiêm chủng.

“Trên thực tế ghi nhận tại Israel, những người chưa được tiêm chủng dễ bị ảnh hưởng bởi tất cả các phiên bản của Coronavirus.

Trong khi đó, người tiêm vắc-xin Pfizer dễ bị nhiễm Covid-19 do biến thể Anh hoặc biến thể Nam Phi, so với người không tiêm chủng”, TS Phạm Nguyên Quý dẫn chứng.

Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh, vắc-xin ngừa Covid-19 có hiệu quả. Ngoài ra, những ai đủ điều kiện nên chủng ngừa ngay khi có vắc-xin.

Tuy nhiên, người dân vẫn cần thực hiện các quy tắc phòng, chống dịch dù đã tiêm vắc-xin. Bởi, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin không đạt 100%, đặc biệt là khi “đối mặt” với các biến thể mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.