Đa số ĐBQH tán đồng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc

Đa số ĐBQH tán đồng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự của UBTVQH. 

Đại biểu Trần Bá Thiều (đoàn Hải Phòng): “Tôi thấy dự thảo Luật Thi hành án hình sự là dự thảo được tiếp thu, giải trình tốt nhất trong kỳ Quốc hội thứ XII này”.

Trong Dự thảo Luật, hình thức thi hành án tử hình (Điều 56) được rất nhiều đại biểu quan tâm. Theo Báo cáo giải trình của UBTVQH, đại biểu Quốc hội có 3 loại ý kiến: loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định hình thức thi hành án tử hình bằng bằng tiêm thuốc độc; loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo Luật quy định hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn; loại ý kiến thứ 3 đề nghị quy định hai hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn và tiêm thuốc độc.

Đa số ĐBQH tán đồng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc ảnh 1
Đa số ĐBQH tán đồng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Theo UBTVQH, việc thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập như về pháp trường tổ chức thi hành án, về áp lực tâm lý đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án…

Nhìn chung, trong các hình thức thi hành án tử hình đang được nhiều nước áp dụng, thì hình thức tiêm thuốc độc ít gây đau đớn hơn cho người bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, quy trình, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng dễ thực hiện.

Hơn nữa, việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc cũng đã được Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền. Đồng thời, qua kết quả tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự đồng tình với phương án quy định hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc. 

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho quy định trong dự thảo Luật hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, quy trình thực hiện do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, để có thời gian chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện, đề nghị Quốc hội cho quy định hiệu lực thi hành của Luật này từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. 

Đa số đại biểu Quốc hội tán đồng với hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc. Đại biểu Quốc hội Đặng Huyền Thái (đoàn Hà Nội) cho biết: “Tôi rất đồng tình với hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, Luật phải quy định rõ hình thức tiêm thuốc độc như thế nào?”.

Về việc giải quyết cho nhận hài cốt, tử thi của người bị thi hành án tử hình, Báo cáo của UBTVQH cho rằng, việc cho nhận hài cốt, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật cho phép thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận hài cốt sau 3 năm kể từ ngày mai táng, có ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian này vì quy định 3 năm là quá dài.

UBTVQH nhận thấy, phong tục, tập quán của nhiều vùng nước ta hiện nay sau 3 năm kể từ ngày mai táng thì mới tiến hành cải táng và tập quán đó cũng phù hợp với yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường. Do đó, thời gian cho nhận hài cốt người bị thi hành án tử hình không nên quy định ngắn hơn 3 năm.

Theo UBTVQH, việc cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi dễ gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết như việc bảo quản tử thi, việc tổ chức mai táng. Do đó, dự thảo Luật không quy định việc cho nhận tử thi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu chỉ quy định cho phép thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận hài cốt sau 3 năm kể từ ngày mai táng thì thực tiễn cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp.

Đại biểu Trần Bá Thiều (đoàn Hải Phòng) cho rằng, về tập quán, có những vùng, miền (như các tỉnh phía Nam) không thực hiện việc cải táng, nên quy định này là không khả thi; nhiều trường hợp sau khi xử bắn và mai táng, thân nhân người bị tử hình tìm mọi cách lấy trộm tử thi, có địa phương tỷ lệ lấy trộm tử thi sau khi thi hành án tử hình đến 90%. Như vậy, nếu như đưa vào Luật, thân nhân tử tù đến nhận hài cốt sau 3 năm, trong khi hài cốt đó đã bị đào trộm thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Đại biểu Trần Bá Thiều đề xuất, theo quan điểm của tôi, có thể cho cho thân nhân tử tù đến nhận hài cốt. Phạm nhân bị tử hình là đối tượng bị loại khỏi xã hội, bị xã hội lên án. Tuy nhiên, rất ít phạm nhân bị người nhà, cha mẹ, anh em từ… Vì vậy, được nhận hài cốt của thân nhân đem về mai tang là một nhu cầu tâm linh tất yếu của người dân. “Nhưng, những tử tù khi thi hành án người nhà được nhận hài cốt phải là những phạm nhân không phải là tội phạm cốt cán của một băng đảng…” – đại biểu Trần Bá Thiều nhấn mạnh.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ