Đà Nẵng vẫn còn bàn ghế học sinh được thiết kế từ thời bao cấp

GD&TĐ - Đại biểu HĐND Đà Nẵng cho rằng, hiện hệ thống bàn ghế học sinh nhiều trường học đã quá cũ. Có những bàn ghế có tuổi đời gấp 2-3 lần tuổi học sinh.

Một lớp học tiểu học trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ảnh minh họa.
Một lớp học tiểu học trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

"Học sinh lớp 5 ngồi học cùng loại bàn với học sinh lớp 1"

Chiều 14/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng lần thứ 10 khóa X, nhiều đại biểu đã chất vấn Sở GD&ĐT thành phố về việc thiếu trường lớp, giáo viên, cơ sở vật chất… Bên cạnh đó, một số nội dung về đầu tư xây dựng trường lớp, phòng vệ sinh còn bẩn.

Nêu ý kiến chất vấn, đại biểu Lê Thị Kim Anh – Tổ đại biểu Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) cho rằng, ngày 10/7/2020, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành về việc phê duyệt đề án xây dựng nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.

“Qua 2 năm triển khai thực hiện đề án, đề nghị cho biết tiến độ triển khai thực hiện dự án hiện như thế nào? Đặc biệt việc sửa chữa cơ sở vật chất, các trường học xuống cấp như: THPT Phan Thành Tài, Tiểu học Lâm Quang Thự… nhằm đảm bảo cho việc học 2 buổi/ngày, cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên”, bà Anh chất vấn.

Học sinh tiểu học ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Học sinh tiểu học ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Còn đại biểu Nguyễn Thành Tiến (Tổ đại biểu Hải Châu) – Trưởng Ban Đô thị, HĐND thành phố cho rằng, qua tiếp xúc cử tri và trực tiếp đi giám sát cho thấy, hiện nay hệ thống bàn ghế học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn đã quá cũ. Có những bàn ghế có tuổi đời gấp 2-3 lần tuổi học sinh, được thiết kế và đầu tư từ thời bao cấp đến nay chưa được thay đổi, không còn phù hợp với thể chất học sinh.

“Học sinh lớp 5 ngồi cùng loại bàn với học sinh lớp 1, học sinh lớp 9 ngồi cùng loại bàn với học sinh lớp 6. Như vậy sự chênh nhau về thể chất mà ngồi cùng lại bàn như thế. Theo đại biểu đã thảo luận, có khoảng 15-20% học sinh bị bệnh học đường, cong vẹo cột sống.

Bên cạnh đó, nhà vệ sinh các trường học cũng xuống cấp nghiêm trọng. Con tôi đi học cũng không dám vào đi vệ sinh, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề của học sinh. Giám đốc Sở GD&ĐT đã trực tiếp đi kiểm tra vấn đề này chưa? Và thời gian đến nghiên cứu giải pháp bố trí nguồn lực bổ sung để đầu tư cơ sở vật chất ra sao?”, đại biểu Tiến nêu chất vấn.

Khu vực nhà vệ sinh của trường học tại Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Khu vực nhà vệ sinh của trường học tại Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Cũng tại buổi chất vấn, một số đại biểu cũng chất vấn về việc thiếu giáo viên, thiếu trường lớp dẫn đến chất lượng dạy học; công tác phân luồng học sinh; công tác phòng cháy chữa cháy tại trường học…

Tổng kiểm tra nhà vệ sinh ở các trường học

Trả lời ý kiến của đại biểu, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho rằng, TP có xây dựng, nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư ban đầu là 4.399 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, từ cơ sở vật chất đến yếu tố có liên quan nên thành phố giao Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các quận huyện rà soát báo cáo nguồn kinh phí bố trí vốn trung hạn. TP đã bố trí vốn tiến hành nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường học.

“Đối với quận Liên Chiểu, tất cả các trường học trên địa bàn quận được lãnh đạo quận quan tâm. Bởi đây là địa bàn mật độ dân cư tăng, số lượng học sinh tăng, dẫn đến việc học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn. Dự kiến khi dự án triển khai, sẽ có thêm 3 cơ sở trường Tiểu học, 2 trường THCS”, bà Thuận thông tin.

Về việc bố trí bàn ghế học sinh cũng như nhà vệ sinh, bà Thuận cho rằng, đây là vấn đề rất nhiều người quan tâm. Trong thời gian qua, ngành giáo GD&ĐT và UBND các quận huyện đã rất quan tâm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư thì cần có giai đoạn, có tiến độ để phân bổ vốn cho phù hợp.

“Tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong thời gian tới, phối hợp với quận huyện rà soát tất cả các trường học trên địa bàn thành phố, cụ thể là về bàn ghế học sinh tiểu học, THCS, để báo cáo lãnh đạo thành phố, từ đó đầu tư nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.

Còn vấn đề nhà vệ sinh, cuối mỗi năm học, Sở GD&ĐT cùng UBND các quận huyện bố trí các đoàn kiểm tra rà soát cơ sở vật chất để chuẩn bị năm học mới. Trong quá trình sử dụng còn nhiều vấn đề phải làm, do đó tôi xin tiếp thu ý kiến để thời gian tới phối hợp làm tốt hơn”, bà Thuận trả lời.

Khuôn viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Đà Nẵng) rất sạch sẽ. Ảnh minh họa.

Khuôn viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Đà Nẵng) rất sạch sẽ. Ảnh minh họa.

Về việc tuyển dụng giáo viên, vị đại diện ngành GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm hiện tại biên chế tại các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố là đảm bảo. Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ, UBND quận huyện rà soát, cân bằng lượng giáo viên để đảm bảo các trường dạy đúng quy định…

Thời gian tới, ngành GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, tham mưu lãnh đạo thành phố liên quan việc thuyên chuyển giáo viên ngoại tỉnh, đảm bảo thu hút nguồn nhân lực giáo viên ngoại tỉnh về Đà Nẵng công tác.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, Sở GD&ĐT phải xem trách nhiệm của ngành liên quan đến công tác tổng kiểm tra phòng cháy chữa cháy trường học, tổng kiểm tra về chất lượng vệ sinh trường học, nhà vệ sinh trong trường học.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cũng đề nghị ngành GD&ĐT rà soát, cân đối, bổ sung giáo viên, bởi tổng thể thì Đà Nẵng đủ giáo viên nhưng cục bộ thì vẫn thiếu. Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cũng dẫn chứng Trường mầm Hương Sen 4 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đầu tư 15 phòng học nhưng hiện chỉ dạy ở 3 phòng, nguyên nhân chính do giáo viên.

Sau khi nghe ý kiến của Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cũng cam kết, sau kỳ họp này, Sở sẽ cùng với UBND các quận huyện kiểm tra toàn bộ thống phòng cháy chữa cháy tại các trường học trên địa bàn. Cùng với đó là kiểm tra toàn bộ nhà vệ sinh các trường học, sau đó báo cáo lãnh đạo TP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ