Đà Nẵng thiếu trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các KĐT mới

GD&TĐ - Tình trạng các nhà đầu tư khi xây dựng dự án khu đô thị (KĐT) mới trên địa bàn Đà Nẵng đã "bỏ quên" trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng...

Quang cảnh Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng. Ảnh: HĐND TP. Đà Nẵng.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng. Ảnh: HĐND TP. Đà Nẵng.

Dân cư đông nhưng chưa có trường học

Tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng diễn ra chiều 18/7, đại biểu Trần Tuấn Lợi (tổ đại biểu HĐND đơn vị quận Cẩm Lệ) nêu lên thực tế thiếu công trình công cộng, hạ tầng xã hội thiết yếu, thiếu trường học tại các khu đô thị (KĐT) mới trên địa bàn thành phố.

Theo ông Lợi, việc thiếu các công trình công cộng, hạ tầng xã hội thiết yếu, trường học tại các mới dẫn đến tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu về đời sống sinh hoạt, học tập và vui chơi của người dân.

Ông Lợi cho biết, hiện còn rất nhiều dự án tại Đà Nẵng sau khi đưa vào sử dụng thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, tình trạng “bỏ quên” trường học không chỉ xảy ra ở KĐT như Hòa Xuân, FPT mà còn nhiều khu đô thị khác dù có quy hoạch đất xây dựng.

Cụ thể, ông Lợi nêu ra như tại KĐT sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), cam kết của nhà đầu tư cũng như quy hoạch có 10 trường học (8 mầm non, 1 tiểu học, 1 THCS). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù dân cư đã rất đông, gần như lấp đầy nhưng ở đây chưa thực hiện một dự án trường học nào. Cũng tại KĐT này, hiện có 7 khu dân cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng Trần Tuấn Lợi, nêu ý kiến tại kỳ họp HĐND TP. Ảnh: HĐND TP Đà Nẵng.

Đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng Trần Tuấn Lợi, nêu ý kiến tại kỳ họp HĐND TP. Ảnh: HĐND TP Đà Nẵng.

“Qua làm việc với UBND phường Hòa Xuân cũng như Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ, cảnh báo qua năm 2024 nếu không đầu tư cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên thì tình trạng thiếu trường lớp tại KĐT này là rất trầm trọng”, ông Lợi thông tin.

Ông Trần Tuấn Lợi cũng nêu ra giải pháp rằng, với quyết tâm giải quyết những bất cập nêu trên, TP cần ban hành chuyên đề riêng. Trong đó đề ra giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành và UBND các quận, huyện, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Cần xem xét yêu cầu UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chính trong việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư các dự án khu đô thị mới thuộc địa bàn quản lý, thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình xã hội tại dự án đảm bảo tiến độ phù hợp quy hoạch.

Kiến nghị thu hồi đất, dự án

Vị đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng cũng kiến nghị rằng cần tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, xử lý các vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng. Đối với các trường hợp chây ì, không triển khai hoặc chậm triển khai công trình hạ tầng xã hội, vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, thì UBND TP cần xem xét thu hồi đất, thu hồi dự án theo quy định, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng, hoặc giao cho UBND cấp quận huyện đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách.

Đồng thời, để khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng này cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền thành phố và vai trò giám sát của HĐND. “Truy đến cùng trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan, đơn vị cũng như các chủ đầu tư”, ông Lợi nhấn mạnh.

Theo ông Lợi, phần lớn thấy rằng các chủ đầu tư chỉ tập trung vào xây dựng nhà ở phục vụ cho mục đích kinh doanh, phân lô, bán nền, chưa quan tâm đến xây dựng công trình công cộng phục vụ đời sống của người dân.

“Vì vậy tôi cho rằng cần có những biện pháp xử lý mạnh. Thành phố cần truy trách nhiệm từng cá nhân từ khâu phê duyệt dự án đến kiểm tra triển khai bởi đây là vấn đề tổ chức thi hành pháp luật”, ông Lợi nêu ý kiến.

Nói thêm về vấn đề này, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, nhiều chủ đầu tư dự án khi phê duyệt quy hoạch chi tiết, rao bán thì rất đẹp, đầy đủ chỉ tiêu nhưng tổ chức triển khai thì liên tục điều chỉnh và chậm thực hiện các cam kết về đầu tư hạ tầng xã hội.

Ông Triết cũng thẳng thắn chỉ ra quy định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền chưa rõ, thanh tra, kiểm tra giám sát để làm cho đúng tiến độ cũng có những hạn chế nhất định.

“Khi quy hoạch chi tiết 1/500 làm khu đô thị rất đẹp, có đầy đủ các công trình công cộng nhưng bây giờ người dân đến ở rất nhiều thì trường lớp lại không đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi vậy, tôi đề nghị UBND TP. Đà Nẵng sớm ban hành quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư phải thực hiện cam kết đúng với quy hoạch chi tiết”, ông Triết yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.