Có phương án cụ thể đưa đón HS, GV
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 18/9, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, việc tổ chức đón học sinh và giáo viên người Đà Nẵng đang kẹt tại các địa phương trở về thành phố, được người dân hết sức ủng hộ.
Tuy nhiên, hiện có nhiều người ý kiến để tự túc phương tiện đi về, trong khi có tổng cộng khoảng 14.000 người gồm 8.000 học sinh và 6.000 giáo viên.
“Hiện nay cũng có nhiều khó khăn, như thuê phương tiện quá cao hoặc không có phương tiện. Với số lượng đông, việc đưa đón sẽ gặp nhiều phức tạp. Đối với những người có nhu cầu thực sự và có hoàn cảnh nghèo khó, thì nghiên cứu đưa đón tập trung”, ông Triết đề xuất.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, hiện nay ngành giáo dục đã lên phương án đưa đón học sinh, giáo viên trở về.
Chủ tịch TP cũng giao bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lên phương án, chỉ đạo tiếp nhận, cách ly, chế độ chính sách đối với những trường hợp học sinh, giáo viên ở ngoại tỉnh về địa phương.
“Hiện, phương tiện tàu hỏa là biện pháp tiếp nhận tốt nhất khi đón số lượng lớn học sinh, giáo viên trở về. Quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý đầu vào - điểm đi ở các địa phương như thế nào. Khi về đây chúng ta phân đối tượng để cách ly tại nhà, cách ly tập trung ra sao.
Bởi rõ ràng ở các tỉnh thành miền Trung, TP Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề về dịch bệnh nhất. Quan điểm là TP Đà Nẵng chỉ hỗ trợ ở mức độ nhất định, phụ huynh cần thông cảm, chia sẻ với chính quyền”, ông Chinh chia sẻ.
Cũng liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng giao Sở Y tế, Sở GD&ĐT và Sở LĐTB&XH xây dựng phương án cho người quay về TP để học tập và làm việc.
Bởi thành phố là trung tâm về giáo dục nên tới đây việc học sinh, sinh viên nhập học và giáo viên, đối tượng quay trở lại TP là việc phải chuẩn bị trước về phương án cho họ quay về.
“Ngoài phương án về đi lại thì phải có phương án về kiểm soát dịch. Đây là những số người cũng cần tính vào số liệu tiêm chủng. Bởi vì nhiều học sinh ở các địa phương khác chưa được tiêm thì về đây chúng ta phải tính toán, để chuẩn bị số lượng vắc xin”, ông Quảng yêu cầu.
Xây dựng 3 phương án trong giai đoạn tới
Ngoài ra, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Văn phòng UBND TP Đà Nẵng tiếp tục đề xuất phương án trong giai đoạn tới, theo tinh phần có thể có 3 phương án.
Cụ thể, phương án 1, trên cơ sở Quyết định 2.985 thành phố tiếp tục mở rộng một số hoạt động kèm với các biện pháp kiểm soát. Phương án 2, qua thời gian dài không ghi nhận ca cộng đồng, TP. Đà Nẵng cho các hoạt động trở lại bình thường chỉ tạm dừng một số hoạt động như karaoke, spa, vũ trường...
"Phương án 3 sử dụng thẻ xanh, vàng, trắng theo mức độ tiêm vắc xin cho phép người dân đảm bảo các điều kiện để tham gia hoạt động theo nhiều mức độ", ông Chinh thông tin.
Cũng tại cuộc họp, ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu đẩy nhanh xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về kiểm soát dịch… Kết quả xét nghiệm phải được sử dụng hiệu quả nhất, nhất là kiểm soát việc đi lại của người dân thông qua kết quả xét nghiệm.
“Nếu như tới đây chúng ta triển khai việc hoàn thiện và đưa ra ra thí điểm áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng thì sẽ có nhiều giá trị. Nếu kết quả xét nghiệm của 1 người trong ngày được đưa lên app đó và hiện thị việc tiêm bao nhiêu mũi, xét nghiệm lúc nào thì có thể dùng app này để lưu thông và thay cho giấy đi đường của chúng ta. Tôi đề nghị, UBND TP chỉ đạo Sở TT&TT đưa vấn đề này vào thí điểm và nhân rộng trên địa bàn”, ông Quảng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc làm thẻ xanh, ông Quảng cũng đề nghị Sở Y tế cung cấp số liệu người làm F0 khỏi bệnh để cung cấp coi như đây là điều kiện tương ứng của việc tiêm 2 mũi vắc xin để đưa vào thành cơ sở dữ liệu để xây dựng thẻ xanh…