(GD&TĐ) - 25 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về trận chiến bi hùng năm đó vẫn vẹn nguyên trong các cựu binh – những người chiến sĩ đã kiên cương chiến đấu, đánh trả Hải quân Trung Quốc bảo vệ ngọn cờ chủ quyền trên đảo Gạc Ma, Trường Sa.
Quang Cảnh buổi giao lưu Hướng về Trường Sa thân yêu |
Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP. Đà Nẵng đã tổ chức chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu” với sự tham dự của các cựu binh và thân nhân 9 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa. Đặc biệt có sự xuất hiện của Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 công binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, cùng những cựu binh đã từng chiến đấu trực tiếp với kẻ thù bảo vệ cờ Tổ quốc, bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa), ngày 14/3/1988.
Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng cho rằng buổi giao lưu là cơ hội để những người hôm nay tri ân 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma cách đây 25 năm, trước quân xâm lược Trung Quốc.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, một trong những người sống sót trở về sau trận chiến giữ đảo Gạc Ma kể lại, khi lính Trung Quốc tấn công, thiếu úy Trần Văn Phương đã hô lớn: “Thà hy sinh tất cả chứ không để mất lá cờ Tổ Quốc”. Tôi cùng anh Phương và 8 người nữa đứng giữ cờ Tổ Quốc. Sau đó, do chênh lệch lực lượng hai bên nên anh Phương hy sinh dưới làn đạn của lính Trung Quốc. Bản thân tôi cũng bị đâm vào vai nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến lúc ngất xỉu vì trúng đạn của quân địch. Lúc tỉnh lại, tôi được tàu hải quân của ta vớt lên và đau đớn tột cùng khi biết 64 đồng đội đã anh dũng hy sinh, đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng quà cho thân nhân các liệt sĩ. |
Có mặt tại buổi giao lưu, cựu binh Lê Hữu Thảo vô cùng xúc động khi gặp lại người đồng đội cũ Nguyễn Văn Lanh sau 25 năm xa cách. Trong trấn chiến bi hùng ấy, Lê Hữu Thảo đã chiến đấu kiên cường, cứu sống hai đồng đội khác và gìn giữ, đưa thi thể Thiếu úy Trần Văn Phương lên tàu HQ505 để trở vào đất liền. Cựu binh Lê Hữu Thảo bồi hồi kể lại: “Chúng tôi chỉ có 2 khẩu súng AK để bảo vệ đảo. Cấp trên ra lệnh giữ đảo bằng phương pháp hòa bình, tránh hành động cực đoan nổ súng trước. Mặc cho địch khiêu khích, chiến sĩ ta vẫn giữ được bình tĩnh, thực hiện công việc bình thường. Khi quân Trung Quốc tấn công, các chiến sĩ ta phải dùng cuốc, xẻng đánh trả trước vũ khí được trang bị hiện đại của địch”.
Ông Hoàng Văn Hoan, nguyên Phó Chỉ huy Trung đoàn công binh 83 ra đảo Gạc Ma năm 1988 nhớ lại, chiến sĩ ta trên đảo Gạc Ma chủ yếu là lính công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo nên hầu hết không được trang bị vũ khí. Khi quân lính Trung Quốc với súng đạn yểm trợ từ tàu chiến đổ bộ lên đảo Gạc Ma đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng hải quân Việt Nam. Cuộc chiến không cân sức, toàn bộ 64 chiến sĩ đã hy sinh và hàng chục chiến sĩ khác bị thương, nhưng lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam vững vàng trên đảo Gạc Ma.
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ, thân nhân các liệt sĩ, người dân và thế hệ trẻ có mặt tại buổi giao lưu |
Mang đến buổi giao lưu chiếc áo hải quân, kỷ vật của con để lại, bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Sự xúc động và tự hào nói: “Tôi may nó đã 25 năm, đi đâu quan trọng tôi đều mặc nó trên người. Nhờ có tấm áo này, tôi cảm giác con trai luôn ở bên”. Bà kể, anh Sự đăng ký nhập ngũ khi đang đi học nhưng không cho gia đình biết. Đến lúc có giấy gọi nhập ngũ, anh mới thông báo cho gia đình là sẽ lên đường làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Ngày nó ra đi cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn mặt con trai. Suốt 25 năm, tôi vẫn mong ngóng có ngày tìm được hài cốt con trai đưa về an táng tại quê hương. Nỗi đau mất con dai dẳng suốt cuộc đời nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn đồng ý cho con lên nhập ngũ. Sự hy sinh của Sự là niềm tự hào của cả gia đình tôi”.
Kết thúc buổi giao lưu, những người chiến sĩ ngoan cường chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước trên đảo Gạc Ma mong muốn thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước truyền thống anh dũng, kiên cường của thế hệ ông cha đi trước. Các cựu binh cũng bày tỏ mong muốn được trở lại thăm Trường Sa, thắp nén tâm hương tưởng nhớ những đồng đội đã vĩnh viễn không trở về trong cái ngày tay không vũ khí đánh trả Hải quân Trung Quốc bảo vệ ngọn cờ chủ quyền trên đảo Gạc Ma năm đó.
Đại Thắng