Trừ khối lớp 9 và 12, các khối lớp còn lại của bậc THCS, THPT ở Đà Nẵng tiến hành kiểm tra cuối học kỳ II với 8 môn học theo hình thức trực tuyến. Đây là giải pháp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid - 19 trong điều kiện HS tạm dừng đến trường.
Chênh lệch không đáng kể
Năm học 2020 – 2021 này, tỉ lệ số HS có học lực khá, giỏi của Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là 99, 09%. Con số này của năm học 2019 – 2020 là 93,05%. Cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Điểm bài kiểm tra cuối kỳ II theo hình thức trực tuyến của khối 10, 11 vừa qua có cao hơn so với mặt bằng chung. Độ lệch khoảng dưới 1 điểm”.
Nhận xét kết quả bài thi môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Đình Hòa - GV Trường THPT Trần Phú cho biết: "HS có khoảng thời gian ôn tập khá dài theo đề cương có sẵn của nhà trường do tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, kết quả bài thi của HS nhìn chung là khá cao. Nếu so với quá trình học tập và kiểm tra, đánh giá trong suốt một năm học vừa qua thì không có sự chênh lệch đáng kể".
Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ) tăng gần 50 HS giỏi so với năm học trước. Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Kết quả đánh giá mặt học tập năm nay so với năm học trước là có nhỉnh hơn. Độ lệch điểm này là không đáng kể và gần như không có sự đột biến nào nếu so sánh với quá trình học tập của HS. Một số HS có sự thay đổi điểm số theo chiều hướng tăng lên, nhưng cũng chỉ tăng trong khoảng 1 điểm.
Chẳng hạn như, theo như GV bộ môn đánh giá, là có thể sức học bình thường chỉ ở mức 7 điểm, nhưng kết quả bài kiểm tra trực tuyến em này đạt 8 điểm. Tuy nhiên, số HS lệch điểm này không đáng kể”.
Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu) tăng thêm khoảng gần 30 HS giỏi ở cả 3 khối lớp 6, 7, 8 so với năm học 2019 – 2020. Thầy Hiệu trưởng Nông Văn Thuần nhận xét: “Theo nhận xét của GV dạy học ở các khối lớp này, không có bài kiểm tra nào có kết quả bất thường nếu so sánh với quá trình học tập của HS. Độ lệch điểm là có, nhưng ở mức chấp nhận được, chỉ từ 0,5 đến 1 điểm”.
Có cùng nhận xét như vậy, thầy Phạm Thanh Bửu – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) cho rằng, điểm kiểm tra cuối học kỳ II không phải là quyết định quan trọng nhất trong đánh giá học lực của HS mà cũng chỉ là điểm thành phần. Tỉ lệ số HS xếp loại học lực giỏi năm học này của trường THCS Nguyễn Lương Bằng là 45,6%, tăng 0,53% so với năm học trước. Sự chênh lệch này, theo như thầy Bửu là không đáng kể và có nhiều nguyên nhân.
Đổi mới cách đánh giá HS
Cô Trần Thị Kim Vân cho biết: “Theo cách đánh giá mới của Bộ GD&ĐT, năm học này, số cột điểm kiểm tra định kỳ của HS ít lại. Thay vào đó, số cột điểm đánh giá thường xuyên nhiều hơn. HS có điều kiện để cải thiện điểm đánh giá thường xuyên nếu các em có những nỗ lực trong quá trình học tập. Đây là sự khác biệt đáng kể, tác động đến sự thay đổi trong đánh giá chất lượng học tập của HS”.
Ở một góc độ khác, cô Hồ Thị Thảo Nguyên cho rằng, thay vì tổ chức kiểm tra ngay sau thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5, HS các khối lớp 6,7,8 và 10, 11 có thêm 2 tuần ôn tập khi thành phố có quyết định tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch bệnh.
“Đề cương ôn tập đã được nhà trường đăng tải trên website. Trong thời gian ôn tập trực tuyến, HS được các thầy cô giáo cung cấp thêm nhiều đề tham khảo để luyện tập, Nhà trường cũng đưa đề tham khảo đặc tả theo định hướng mới của Bộ GD&ĐT. Tất cả những yếu tố này đã góp phần giúp HS cải thiện điểm số của bài kiểm tra”- cô Thảo Nguyên nói.
Đề kiểm tra 8 môn của khối lớp 10 và 11 của Trường THPT Trần Phú đã được chuẩn bị trước đó để ngày 4/5, theo như kế hoạch, HS đi học lại sau kỳ nghỉ lễ là bắt đầu kiểm tra trực tiếp.
“Đề này sau đó đã được nhà trường sử dụng để kiểm tra trực tuyến. Tuy nhiên, khi cho HS làm bài kiểm tra thử thì phát hiện ra sự cố đối với phần tự luận. HS phải chụp lại bài làm tự luận ở giấy để gửi lên hệ thống và bị nghẽn mạng. Câu hỏi phần tự luận, trong cấu trúc đề, đều là những câu hỏi ở mức vận dụng cao. Nhà trường buộc phải điều chỉnh câu hỏi tự luận theo hình thức điền khuyết, dưới dạng các câu trả lời ngắn gọn. Sự thay đổi này cũng là một thuận lợi cho HS so với việc phải trình bày bài làm tự luận theo đúng tuần tự” – cô Nguyên phân tích.