Tăng cường kỹ năng sống cho học sinh
Buổi đối thoại nhằm tăng cường, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ban ngành, tổ chức, cá nhân trong giải quyết các vấn đề của trẻ em. Đồng thời, vận động xã hội, cộng đồng chung tay tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, phát triển toàn diện cho trẻ em; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Tại diễn đàn đối thoại, đã có nhiều ý kiến, nguyện vọng, mong muốn về những vấn đề có liên quan thiết thực đến đời sống hằng ngày của các em.
Em Thái Phạm Thu Phương, lớp 8/7, Trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Liên Chiểu cho rằng, hiện tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra ngày càng nhiều đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo hành trẻ em trong cả gia đình và bạo lực học đường.
“Em mong muốn các nội dung truyền thông về nhận biết các dấu hiệu bạo hành trẻ em, các biện pháp phòng, chống, xử lý khi gặp các trường hợp bạo hành trẻ em sẽ được tổ chức định kỳ như một phần của chương trình học tập, cũng như cha mẹ chúng em đều sẽ được thông tin những nội dung này. Các thầy cô giáo, những người chăm sóc trẻ em cũng cần được tập huấn những kỹ năng nhận biết, hỗ trợ chúng em để chúng em sẽ được bảo vệ tốt hơn, được an toàn và khoẻ mạnh”, em Phương nêu ý kiến.
Còn em Phan Bá Thiên Trường, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (quận Thanh Khê) cho hay, vào mùa Hè chúng em rất thích được đi tắm biển hoặc hồ bơi, tuy nhiên thời gian gần đây ở trên cả nước có nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm nên chúng em rất sợ khi chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng một cách kỹ càng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước như: Cha mẹ, ông bà chưa để ý đến con cái khi đi đến những nơi ao hồ sông suối, chính các bạn cũng chưa trang bị đủ các kiến thức, kĩ năng nên trẻ em dễ dẫn đến bị đuối nước, nhất là ở những nơi có nhiều sông suối, nông thôn… Trong số chúng em có nhiều bạn đã biết bơi, nhưng không nắm được các kỹ năng cần thiết về phòng, chống đuối nước nên cũng chưa đảm bảo an toàn.
“Em mong muốn được biết thêm những biện pháp thành phố triển khai trong thời gian sắp tới như việc tổ chức các khoá học bơi, học kỹ năng phòng, chống đuối nước định kỳ cho trẻ em tham gia, để hạn chế thấp nhất số lượng trẻ em bị tai nạn đuối nước”, em Trường kiến nghị.
Ngoài ra, các em cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc thay đổi tâm lý trước thực trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường và đề xuất xây dựng kênh thông tin chia sẻ, tư vấn về bạo lực gia đình, việc chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng, tư vấn tâm lý và giáo dục giới tính…
Các em học sinh nêu ý kiến tại buổi đối thoại. |
Ông Trần Nguyễn Minh Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng trả lời các ý kiến của học sinh. |
Trả lời các ý kiến của học sinh, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, đối với việc tư vấn tâm lý và giáo dục giới tính, chăm sóc, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng cho học sinh, trong những năm qua, ngành Giáo dục cũng như các sở, ngành thành phố triển khai nhiều chương trình cụ thể, để hỗ trợ các em. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa thật sự tốt.
“Các trường học tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi cơ quan quản lý về giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống… vẫn chưa sâu, chưa kịp thời xử lý vấn đề các em học sinh cần. Vì vậy, Sở GD&ĐT cùng các ngành sẽ tăng cường hơn các nội dung hướng dẫn phối hợp trong nhà trường, cùng với đó là tổ chức tập huấn cho giáo viên để hướng dẫn kỹ năng sống cho các em học sinh”, ông Thành nhấn mạnh.
Đối với việc phòng, chống đuối nước cho học sinh, ông Thành cho rằng, đến nay 20/100 trường tiểu học trên địa bàn chưa có hồ bơi, nên chưa thể tiến hành dạy bơi cho các em học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cũng chia sẻ, trong đề án nâng cấp trường lớp của UBND TP Đà Nẵng đưa ra, hy vọng trong thời gian tới các trường sẽ có hồ bơi đầy đủ, từ đó giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh được thực hiện tốt hơn…
Tạo cơ hội phát triển toàn diện cho mọi trẻ em
Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. |
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chính sách đặc thù dành cho trẻ em trên các lĩnh vực: Trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục… góp phần đem lại môi trường xã hội lành mạnh, bình đẳng, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đại diện lãnh đạo UBND thành phố cũng đề nghị các sở, ngành, hội đoàn thể, địa phương chủ động triển khai “Tháng hành động vì trẻ em” với các hình thức thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ tổn hại cho trẻ, nhất là cho cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khẳng định, những ý kiến của các em đã gợi cho lãnh đạo thành phố, đại diện các sở, ngành, đoàn thể, địa phương nhiều vấn đề, ý tưởng, cần được tiếp nhận kịp thời để đưa ra định hướng, giải pháp, kế hoạch hành động vì trẻ em trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố cần quan tâm, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.
Các tổ chức chính trị, đoàn thể tiếp tục thực hiện lấy ý kiến trẻ em, thuyết minh cho trẻ trong quá trình xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động có liên quan đến trẻ em.
Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là quan tâm tạo điều kiện cho các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh gắn với rèn luyện kỹ năng, tăng cường các hoạt động, diễn đàn, tạo cơ hội cho trẻ em thực hiện quyền tham gia của mình, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn…