(GD&TĐ) - Năm học 2012-2013, số lượng học sinh tiếp tục tăng vọt, khiến nhiều trường tiểu học trung tâm quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng không đủ sức tổ chức bán trú và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. nắm bắt nhu cầu của phụ huynh học sinh, nhiều trung tâm giáo dục nhanh chóng hình thành và ngày càng mở rộng quy mô hoạt động lưu trú, cùng giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định. Hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trung tâm này cũng đang trở thành mối lo lắng của phụ huynh học sinh.
Cung không đáp ứng được cầu
Bà Trương Thị Nhã Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường TH Phù Đổng cho biết: “Năm học 2012-2013, trường có đến 70 lớp, với gần 3.000 học sinh, tuy nhiên chỉ tổ chức được 13 lớp bán trú cho 445 học sinh, trong khi đó nhu cầu được tổ chức bán trú của phụ huynh là 100%, nhưng với số lượng phòng học hiện nay mà trường huy động được chỉ có 42 phòng, vì vậy, 57 lớp còn lại đều thực hiện dạy 1 buổi/ngày”. Cũng như Trường TH Phù Đổng, các trường TH Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Lý Công Uẩn cũng lâm vào “tình cảnh” tương tự. Ông Nguyễn Hữu Chính, Hiệu trưởng Trường TH Lý Công Uẩn cho hay, với số lượng học sinh tăng vọt trong nhiều năm học qua, năm học này nhà trường chỉ tổ chức được 15 lớp bán trú cho học sinh, trong tổng số 30 lớp học với gần 1.300 em có nhu cầu bán trú.
Xe đưa đón học sinh của các trung tâm vô tư “bắt khách” giữa lòng đường trước cổng Trường TH Phan Thanh |
Tại các cổng trường TH Phan Thanh, Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, Lý Công Uẩn những chiếc xe đưa đón học sinh của các trung tâm giáo dục xếp hàng dài chờ đón học sinh. Cảnh tượng như “ong vỡ tổ” khi học sinh tràn ra cổng trường, chen chúc nhau lên xe để kịp về các trung tâm lưu trú kịp giờ ăn trưa. Có những chiếc xe tràn ra cả lòng đường, vô tư đứng “bắt khách” khiến tuyến đường bị ùn tắc. Nhiều phụ huynh mang tâm trạng bất an, chen lấn đứng nháo nhác đón con trước cổng trường.
Nguy cơ “vỡ bán trú”
Hầu hết phụ huynh học sinh đều có nhu cầu gửi con vào các trung tâm lưu trú khi các trường không tổ chức bán trú và dạy học buổi thứ 2 cho con em mình, nhưng sau một thời gian gửi con vào các trung tâm, nhiều phụ huynh nhận thấy điều kiện chăm sóc, dạy học tại đây không đảm bảo nên đã tìm cách gửi con về nhà giáo viên. Bà Trương Thị Nhã Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường TH Phù Đổng nói: “Vào đầu năm học, phần lớn phụ huynh có con em học tại trường đều gửi con vào các trung tâm lưu trú nhưng đến nay tỉ lệ này còn rất ít. Nhiều phụ huynh đến trường bày tỏ sự bất an, lo lắng khi phải gửi con em mình vào các trung tâm, đa số phụ huynh bày tỏ muốn được gửi con về nhà giáo viên. Vấn đề này, thật sự là nỗi băn khoăn, trăn trở của giáo viên cũng như của lãnh đạo nhà trường”.
Tìm hiểu công tác tổ chức hoạt động của các trung tâm lưu trú trên địa bàn thì những người phụ trách đều cho biết, hiện các trung tâm đều phải chịu lỗ nặng vì số lượng học sinh liên tục giảm, trong khi đó các chi phí chi trả phục vụ sự hoạt động của trung tâm là rất lớn? Bà Phạm Thị Anh, Giám đốc trung tâm giáo dục An Tiên cho hay, trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2012 nhưng mỗi tháng trung tâm phải bù lỗ hơn 30 triệu đồng vì nguồn thu phí từ học sinh không đủ chi trả hoạt động. Hiện tại trung tâm có hai cơ sở với 15 lớp gồm 246 em, tất cả đều là học sinh Trường TH Phù Đổng.
Hiện nay, trên toàn quận Hải Châu có đến 8 trung tâm giáo dục (Win, Viên Thảo, Thành Tài, Tài Năng Việt, An Tiên, First Friends, Đôrêmon, Phúc Trí) có tổ chức lưu trú được cấp phép hoạt động. Ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho hay, xét trên nhu cầu của phụ huynh học sinh và đề án xin thành lập trung tâm của các đơn vị, cá nhân mà Ủy ban nhân dân quận ủy quyền phòng GD&ĐT cấp giấy phép hoạt động cho các trung tâm. Tuy nhiên, do không nắm bắt được tính đặc thù của hoạt động giáo dục nên hầu hết các trung tâm sau khi xin được cấp phép đều hoạt động không mấy hiệu quả. Trong số 8 trung tâm này chỉ có 2 trung tâm có điều kiện cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động tương đối có hiệu quả.
Dạy thêm để “giữ” học sinh?
Việc các trường “vỡ bán trú”, dẫn đến việc các đơn vị, cá nhân đua nhau thành lập trung tâm giáo dục tổ chức lưu trú và dạy thêm, học thêm là một vấn đề dễ hiểu. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức kiểm tra, quản lý hoạt động của các trung tâm giáo dục này còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, đảm bảo an toàn, chất lượng bữa ăn của trẻ. Đặc biệt là tình trạng giáo viên các trường đến dạy học sinh lớp mình ở trường tại các trung tâm còn khá phổ biến. Trong khi đó các trường và ngành giáo dục địa phương vẫn chưa có một văn bản quy định nào từ chính quyền để quản lý, xử lý việc dạy thêm, học thêm trái với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
“Trong thời gian qua, bộ phận thanh tra của phòng GD&ĐT quận đã tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra hoạt động của các trung tâm nhưng chỉ mang tính “thăm” là chính. Việc phát hiện và xử lý tình trạng giáo viên dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình cho chính học sinh mình đứng lớp ở trường tại các trung tâm gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì hiện nay thành phố chưa có một văn bản nào quy định về dạy thêm, học thêm. Hay việc kiểm tra, đánh giá chất lượng bữa ăn cho trẻ tại các trung tâm tuy không thuộc chuyên môn của ngành nhưng đây cũng là một vấn đề hết sức trăn trở và lo lắng”, ông Lê Văn Tùng, chuyên viên thanh tra phòng GD&ĐT quận Hải Châu chia sẻ.
Có ý kiến cho rằng, việc ra đời các trung tâm giáo dục tổ chức lưu trú và dạy thêm, học thêm chỉ mang tính “mùa vụ”, “tức thời” và chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn nhất định, bởi theo chủ trương kế hoạch thì đến năm học 2015-2016 tất cả học sinh TH trên toàn thành phố Đà Nẵng đều được học 2 buổi/ngày tại trường. Tuy vậy, với những vấn đề nảy sinh từ các trung tâm lưu trú, trong đó có sự “biến tướng” của nạn giáo viên “núp bóng” dưới các trung tâm lưu trú để tổ chức dạy thêm, học thêm; bên cạnh đó, điều kiện ăn ở, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ đang trở thành mối lo ngại. Vấn đề đang rất cần chính quyền cùng các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng kịp thời chấn chỉnh và có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Đại Thắng-Ngọc Giang