Đà Nẵng: Ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc giai đoạn 2013-2015

Đà Nẵng: Ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc giai đoạn 2013-2015

(GD&TĐ) - UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định về việc Ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015.

Theo đó, từ năm 2013-2015, thành phố phấn đấu hoàn thành việc trùng tu, chống xuống cấp tất cả các di tích cấp quốc gia và tăng cường công tác tôn tạo nhằm nâng cao giá trị thẩm mỹ, tạo cảnh quan môi trường hài hòa cho những di tích đó. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục trùng tu, tôn tạo 9 di tích cấp thành phố bị xuống cấp (theo thứ tự ưu tiên mức độ xuống cấp của di tích).

Nhà thờ Chánh Tòa (còn gọi là nhà thờ Con Gà) Đà Nẵng
Nhà thờ Chánh Tòa (còn gọi là nhà thờ Con Gà) Đà Nẵng

Đối với di sản văn hoá phi vật thể, UBND thành phố đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tiến hành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể hằng năm; thực hiện 3 đề tài nghiên cứu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu. Lập 03 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; theo thứ tự ưu tiên sau: Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước; Tuồng Quảng Nam- Đà Nẵng; Lễ hội Cầu ngư.

Để phát huy giá trị di sản văn hóa của Đà Nẵng, thành phố sẽ xây dựng bản đồ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của thành phố (2013-2014); xây dựng website để giới thiệu về di sản văn hóa Đà Nẵng (2013). Ngoài ra, sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan biên soạn tài liệu, tờ gấp giới thiệu vắn tắt về di sản văn hóa, nội dung bao gồm lý lịch các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng và các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để phổ biến, giới thiệu, quảng bá cho học sinh, sinh viên và khách du lịch trong và ngoài nước trong năm 2013. Thực hiện các đoạn phim giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa và các lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công truyền thống để quảng bá về tiềm năng du lịch văn hóa của thành phố. Hằng năm, tổ chức thi tìm hiểu về di sản văn hóa Đà Nẵng và tổ chức tọa đàm khoa học về di sản văn hóa để đi đến xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Đà Nẵng.

Kinh phí cho hoạt động tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, tu sửa cấp thiết di tích được phân cấp cụ thể. Theo đó, đối với di tích cấp quốc gia: Sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa). Đối với di tích cấp thành phố, sẽ sử dụng 80% vốn ngân sách thành phố, 20% vốn ngân sách quận, huyện và xã hội hóa, trong đó, vốn xã hội hóa không được thấp hơn 5% tổng mức đầu tư. Đối với di tích được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê, sẽ sử dụng 100% vốn ngân sách quận, huyện và xã hội hóa để cắm mốc giới, bảo vệ ranh giới và tu sửa cấp thiết di tích.

                                                                      P.V

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.