Dự thảo về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ vừa được Bộ GD-ĐT công bố có nhiều quy định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh.
Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga xung quanh những quy định này.
Thi riêng phải độc lập ngay từ đầu
Thưa ông, tại sao Bộ lại quy định những trường tổ chức tuyển riêng không sử dụng kết quả thi chung do Bộ tổ chức? Trong khi luật Giáo dục ĐH cho phép các trường được vừa thi tuyển vừa xét tuyển, như thế những trường thi riêng vẫn có quyền được xét tuyển thí sinh từ kỳ thi “3 chung”?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
Mục đích của Bộ là muốn các trường đã tổ chức tuyển sinh riêng thì phải độc lập ngay từ đầu, không dính dáng gì đến kỳ thi 3 chung của Bộ nữa. Như vậy, đến khi Bộ không còn tổ chức kỳ thi chung thì các trường cũng tự chủ được toàn bộ các khâu tuyển sinh. Hơn nữa, nếu các trường đã tổ chức thi riêng nhưng vẫn xét tuyển những thí sinh theo đề thi chung của Bộ thì không công bằng đối với thí sinh.
Tuy nhiên, những quy định của Bộ mới chỉ là dự thảo vì vậy các trường có thể góp ý, điều nào phù hợp thì sẽ thực hiện với tinh thần là không có rào cản nào cả. Bộ không quy định đối tượng xét tuyển, cách xét tuyển mà do các trường tự đề xuất miễn là phải đảm bảo chất lượng. Bộ cũng yêu cầu các trường gửi đề án tuyển sinh riêng, sau đó sẽ công khai để lấy ý kiến của toàn xã hội. Nếu phương án đó được đồng thuận thì sẽ được thực hiện.
Bộ yêu cầu các trường phải quy định ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Vậy “ngưỡng tối thiểu” đó là gì?
Phương án tuyển sinh của các trường rất đa dạng, có trường thi tuyển, có trường xét tuyển, có trường vừa thi vừa xét vì vậy mỗi trường có một ngưỡng tối thiểu đảm bảo chất lượng khác nhau. Bộ không áp đặt ngưỡng tối thiểu đối với các trường tổ chức thi riêng. Ngưỡng này do các trường tự đề xuất và phải được xã hội chấp nhận. Các chuyên gia của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cũng sẽ xem xét ngưỡng đó có đảm bảo chất lượng tuyển sinh hay không.
Thí sinh có thể đăng ký dự thi qua mạng
Khả năng năm 2014 sẽ có nhiều đợt tuyển sinh chung, riêng để thí sinh lựa chọn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Nhưng nếu các trường tổ chức thi riêng ra đề thi dễ, lấy điểm chuẩn cao nhằm chứng minh với xã hội chất lượng tuyển sinh của trường là tốt thì Bộ có kiểm soát được không?
Các trường có thể cho phép thí sinh đăng ký qua mạng sau đó hậu kiểm hoặc có thể vẫn áp dụng đăng ký theo hệ thống hồ sơ gửi trực tiếp ở trường phổ thông và Sở GD&ĐT. |
Chúng tôi sẽ kiểm soát ngay từ khi các trường gửi đề án tuyển sinh riêng. Trong đề án tuyển sinh này các trường phải trình bày cụ thể môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi đặc biệt là các điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Các phương án tuyển sinh phải chứng minh được tính khách quan thì mới được chấp nhận.
Thưa ông mỗi trường được tổ chức thi 2 đợt thi riêng nhưng do Bộ ấn định thời gian, vậy thời gian của các đợt thi này cụ thể như thế nào? Liệu có trùng với các đợt thi mà Bộ tổ chức thi chung hay không? Các đợt thi chung năm nay có gì thay đổi không?
Các đợt thi chung và riêng sẽ được lấy ý kiến của các trường và quyết định trong hội nghị tuyển sinh sắp tới. Về cơ bản, các đợt thi chung vẫn như mọi năm là 2 đợt thi ĐH. Riêng đợt thi CĐ sẽ được bàn bạc xem xét xem có ghép chung với 1 đợt thi ĐH hay không. Như vậy nếu ghép chung kỳ thi CĐ thì chỉ còn 2 đợt thi chung. Các đợt thi riêng do các trường sẽ đề xuất nhưng Bộ sẽ ấn định ngày thi, đợt thi và các trường có quyền thi trùng với đợt thi chung của Bộ tổ chức.
Hiện chúng tôi chưa xác định có bao nhiêu đợt thi riêng mà sẽ do các trường đề xuất nhưng về nguyên tắc các trường chỉ được tổ chức thi riêng 2 lần/năm. Như vậy có thể sẽ có nhiều đợt thi ĐH nhưng theo lịch thi cụ thể chứ không thể tổ chức thi quanh năm được.
Với những trường thi riêng, Bộ có quy định như thế nào về thủ tục dự thi cũng như hồ sơ và lệ phí đăng ký của thí sinh?
Bộ không quy định cụ thể khi các trường tổ chức thi riêng. Vấn đề này để mở cho các trường vì mỗi trường có một phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, trong đề án các trường phải nêu rõ thời gian thi, lịch thi và địa điểm thi, phương thức đăng ký dự thi. Các trường có thể cho phép thí sinh đăng ký qua mạng sau đó hậu kiểm hoặc có thể vẫn áp dụng đăng ký theo hệ thống hồ sơ gửi trực tiếp ở trường phổ thông và Sở GD-ĐT. Chúng tôi không áp đặt việc tiếp nhận hồ sơ như thế nào. Về lệ phí đăng ký dự thi và dự thi thì phải tuân thủ quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
Không phụ thuộc vào điểm đầu vào khi chuyển trường Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trước đây Bộ quy định sinh viên không được chuyển đến những trường có mức điểm thi đầu vào cao hơn trường sinh viên đang học. Tuy nhiên nếu các trường tổ chức thi riêng thì quy định này không còn phù hợp nữa. Bộ cũng đang soạn thảo các quy định về đào tạo cho phù hợp với việc tuyển sinh. Lúc đó quy định sẽ công nhận tín chỉ đã được đào tạo của sinh viên và không phụ thuộc vào điểm đầu vào nữa. Bộ đang xây dựng chuẩn trình độ tối thiểu của các bậc học, trong đó có bậc ĐH, CĐ. Các trường căn cứ vào chuẩn này để làm thước đo tiếp nhận sinh viên. |
Vũ Thơ (thực hiện)
Theo Thanh niên