(GD&TĐ)-Trong những năm tới đây, hợp tác về giáo dục giữa hai nước Việt Nam – Campuchia sẽ dựa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã xác lập, phát triển thế mạnh và tiềm năng của mỗi nước để bổ sung và hỗ trợ nhau. Ngoài những hình thức hợp tác truyền thống, hoan nghênh và ủng hộ các sáng kiến mới nhằm đa dạng hóa các loại hình trao đổi giáo dục đào tạo theo hợp đồng, du học tự túc nhằm đẩy mạnh giao lưu giữa các cơ sở GD-ĐT của hai nước.
Hội nghị tổng kết 5 năm hợp tác giáo dục Việt Nam – Campuchia. Ảnh: gdtd.vn |
Đó là một trong những vấn đề được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 5 năm hợp tác giáo dục Việt Nam – Campuchia. Cùng chủ trì hội nghị với Thứ trưởng Bùi Văn Ga còn có ngài Hul Phany, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền vương quốc Campuchia tại Việt Nam.
Trong những năm qua, hợp tac GD-ĐT Việt Nam – Campuchia được triển khai trên cơ sở biên bản thỏa thuận tại các kỳ họp hàng năm của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và Nghị định thư về hợp tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006-2010 giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao vương quốc Campuchia. Năm 2010, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Kế hoạch hợp tác hàng năm về giáo dục giữa hai Bộ đã được ký kết lần đầu tiên vào tháng 8/2010.
Theo báo cáo của Vụ hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT, hàng năm, Chính phủ Việt Nam cấp 100 học bổng cho cán bộ, sinh viên Campuchia theo học tại các trường ĐH của Việt Nam đào tạo dài hạn bậc ĐH và sau ĐH. Từ năm 2006 đến nay, các cơ sở giáo dục đào tạo đã tiếp nhận tổng số 1167 lưu học sinh Campuchia vào học, trong đó học tiếng Việt, dự bị ĐH là 519, còn lại là 648 lưu học sinh chuyên ngành. Các chuyên ngành thu hút nhiều sinh viên Campuchia là Y, Dược, Nông nghiệp, Kinh tế, Kiến trúc, Kỹ thuật công nghệ, trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là ngành Y – Dược với 47%...
Về phía Campuchia, hàng năm, Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng cấp từ 10 đến 15 suất học bổng cho cán bộ, sinh viên Việt Nam theo học tại các trường ĐH của Campuchia bậc ĐH. Ngoài ra, Campuchia cũng cấp cho Việt Nam 20 học bổng ngắn hạn học tiếng Khmer trong vòng 2 năm tại Campuchia.
Trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa các địa phương, các Bộ/ngành khác, nhìn chung các đơn vị và một số cơ sở giáo dục đều tích cực chủ động trong việc tăng cường quan hệ hợp tác về giáo dục, giúp nước bạn phát triển nguồn nhân lực. Như tỉnh Đắc Lắc sẵn sàng tiếp nhận đào tạo một số ngành nghề cho tỉnh Mondulkiri, mỗi ngành nghề 30 người. Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An cấp 5 học bổng cho con em người Việt tại Campuchia thông qua Đại sứ quán 2 nước...
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhìn nhận lại tình hình hợp tác giáo dục giữa hai nước trong thời gian qua, đánh giá kết quả đã đạt được, chỉ ra những khuyết điểm cần cải tiến và những vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Cũng nhân dịp này, các đơn vị có liên quan, các trường và học viện có lưu học sinh Campuchia đã gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, quản lý giáo dục đưa ra những chính sách phù hợp hơn trong việc giúp Campuchia phát triển nguồn nhân lực, đồng thời tìm ra biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền vương quốc Campuchia tại Việt Nam Hul Phany chủ trì hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Đánh giá về tình hình hợp tác giáo dục 2 nước, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao nỗ lực của cả hai bên trong thực hiện Nghị định thư về giáo dục và đào tạo; công tác quản lý lưu học sinh Campuchia trong các cơ sở đào tạo Việt Nam cũng được đảm bảo tốt. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đều có ý thức trách nhiệm cao trong việc nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Campuchia. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhìn nhận, chất lượng đào tạo hiện nay vẫn chưa đạt được mức độ mong muốn, ngành nghề đào tạo vẫn chưa đáp ứng được hết các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Campuchia. Nguyên nhân của hạn chế này là do trình độ tiếng Việt của sinh viên Campuchia chưa được chuẩn bị kỹ và do thời gian dành cho việc học tiếng Việt chưa đảm bảo yêu cầu.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đặc biệt ủng hộ và tạo điều kiện cho sự phát triển hợp tác giáo dục các tỉnh khu vực biên giới của hai nước, các tỉnh trong Tam giác phát triển. Theo Thứ trưởng, đây là hình thức hợp tác có nhiều tiềm năng, thuận lợi về điều kiện địa lý và trình độ phát triển kinh tế tương đồng. Ngoài chương trình hợp tác song phương, Thứ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT Việt Nam luôn phối hợp với phía Campuchia trong việc tham gia vào các chương trình hợp tác của các nước trong khuôn khổ tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á...
Hiếu Nguyễn