(GD&TD)-Đó là thông tin mà TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết về diễn biến phức tạp của bệnh chân tay miệng.
Trường học mầm non là nơi dễ lây lan bệnh chân tay miệng (ảnh MH) |
Theo đó, hiện nay có trên 66.321 người mắc bệnh và đã có 119 ca tử vong. Đáng lo ngại, số người mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng mạnh hàng tuần.
Từ giữa tháng 9 đến nay số ca mắc hàng tuần luôn dao động từ 2.000 đến 2.500 ca, các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại miền Nam chiếm tới 68% số mắc và gần 90% số tử vong
Trong khi đó, các biện pháp phòng chống bệnh dịch này hiện nay tại nhiều địa phương chưa triệt để, quyết liệt, do người dân chưa có ý thức phòng bệnh nên bệnh tay chân miệng có nguy cơ lan rộng và kéo dài.
Trước tình hình trên, để chủ động phòng chống và giảm tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra, Bộ Y tế đề nghị các địa phương huy động chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể xã hội ở địa phương quyết tâm ngăn chặn sự lây lan của bệnh tay chân miệng. Đồng thời, làm rõ vai trò của chính quyền cơ sở, phát huy vai trò của Tổ trưởng Tổ tự quản trong hướng dẫn kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các hộ gia đình, đặc biệt các hộ có trẻ dưới 5 tuổi.
Cục Y tế dự phòng cũng vừa có công văn gửi Sở Y tế các địa phương về việc tăng cường xét nghiệm xác định các trường hợp tử vong.
Theo đó, các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm xác định các trường hợp chuyển nặng, trường hợp tử vong, bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur để xét nghiệm giám sát căn nguyên. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, tăng cường kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện...
Đồng thời, Cục Y tế dự phòng cho biết dù tỷ lệ người lành mang trùng cao nhưng người dân cũng không nên vì quá lo lắng mà đi xét nghiệm tràn lan bởi virus chỉ có thể tồn tại trong cơ thể con người khoảng vài tuần và chỉ cần phòng bệnh thông qua việc vệ sinh sạch sẽ bàn tay, ăn chín, uống chín... như khuyến cáo của ngành y tế.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng vừa đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm đóng trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt đảm bảo cơ số thuốc, hóa chất khử trùng, diệt khuẩn và các thuốc trong phác đồ điều trị tay chân miệng; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Cục Quản lý Dược cho biết, Cục sẽ xem xét giải quyết ngay các dự trù, đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh của các đơn vị để đảm bảo đủ thuốc.
Xuân Hương