(GD&TD)-Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, từ đầu mùa lũ đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có 18 người chết do mưa lũ, trong đó có 15 trẻ em.
Tính đến thời điểm này, mưa lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long làm ngập 50.672 căn nhà (tăng 20.081 nhà so với ngày 5/10), 6.553 ha lúa mất trắng bị mất trắng (tăng 338 ha), 3.169 ha hoa màu bị ngập (tăng 1.769 ha); bờ bao bị sạt lở là 646 km (tăng 205 km), 775 km đường giao thông bị sạt lở (tăng 310 km), 1.221 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập (giảm 131 ha).
Có 18 người chết trong đó có 15 trẻ em do lũ lụt kéo dài (ảnh MH) |
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh có 579,5 ha lúa Thu đông bị thiệt hại và 781,9 ha bị đe doạ tập trung chủ yếu ở hai huyện Giang Thành và Hòn Đất. Nước lũ cũng gây thiệt hại đối với 306 ha hoa màu, gây ngập 814 nhà dân, 90,385 km đường giao thông nông thôn, 05 điểm trường, vỡ 3,654 km bờ bao đều ở huyện Giang Thành. Huyện Hòn Đất có 2 trẻ em té xuống nước thiệt mạng do người lớn trông coi bất cẩn. Hội chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang đã bố trí 54 chốt cấp cứu tại các điểm ngập lũ, mỗi chốt có khoảng 10 tình nguyện viên túc trực 24/24 để cứu hộ, cứu nạn. Hiện tại, số áo phao còn sử dụng được rất ít, mỗi chốt cấp cứu chỉ có 5 – 7 áo phao, trong khi yêu cầu cơ bản phải có từ 15 – 20 cái. Riêng thuốc uống và chất khử khuẩn làm sạch nước vẫn còn đủ.
Tại tỉnh Đồng Tháp: Hiện mực nước trên các sông ở mức cao, đe dọa đến các ao, bè nuôi thủy sản trong tỉnh Đồng Tháp. Tại một số huyện đầu nguồn, nước lũ đã dâng cao làm các ao nuôi tôm, cá bị ngập sâu, gây sạt lở bờ bao làm thất thoát thủy sản nuôi.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đã có 433 ha thủy sản bị thiệt hại. Nhận định thời gian tới, lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của mưa bão.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, từ đầu mùa lũ đến nay, toàn tỉnh đã huy động trên 46.000 lượt người tham gia gia cố hơn 396 km đê bao, đập tạm, cống bọng, khắc phục vỡ đê. Các lực lượng sử dụng nhiều phương tiện như xáng cạp, Ko-be, cừ tràm, mê bồ, lưới B40, sắt, bao cát… với tổng kinh phí thực hiện hơn 46 tỷ đồng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, trong những ngày tới lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng đồng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên tiếp tục lên chậm và duy trì ở mức cao.
Đến ngày 11/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,8m (trên báo động 3 là 0,3m), tại Châu Đốc ở mức 4,25m (trên báo động 3 là 0,25m), tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên ở mức báo động 3, có nơi trên báo động 3 từ 0,2-0,4m. Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên nhanh và đến ngày 11/10 ở mức 2,85m, trên báo động ba 0,45m.
Đặc biệt là lũ đầu nguồn sông Cửu Long còn tiếp tục duy trì trên báo động ba từ 0,1-0,2m đến cuối tháng 10. Do vậy cần chủ động phòng chống lũ lớn, ngập lụt sâu còn tiếp diễn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên.
Đức Minh-Nguyễn Sơn