D614G - chủng SARS-CoV-2 mới nguy hiểm cỡ nào?

GD&TĐ - Virus SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân tại Đà Nẵng được ghi nhận là chủng mới hoàn toàn. Mặc dù có khả năng lây lan nhanh chóng, nhưng chủng virus này được cho là không nguy hiểm hơn các chủng khác.

Tới nay, Đà Nẵng đã công bố chữa khỏi cho 76 bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Tới nay, Đà Nẵng đã công bố chữa khỏi cho 76 bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Sẽ có nhiều chủng khác của virus 

Ngày 26/7, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng sau 99 ngày. Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ ngày 27/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, virus gây bệnh tại Đà Nẵng là chủng mới.

Mới đây, PGS.TS Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran) hiện giảng dạy tại Trường Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ), giải thích, virus không phải là vật thể sống. Virus chứa các gen di truyền (RNA hoặc DNA) bên trong vỏ bọc protein và cần có tế bào chủ để dính vào, nhân bản, phát tán. 

“Virus không tự di chuyển hay bay nhảy. Chính chúng ta là người mang SARS-CoV-2 phát tán khắp nơi thông qua tiếp xúc gần và đường thở”, PGS Huỳnh nhấn mạnh. 

Chuyên gia giải thích, khi vào trong tế bào, virus SARS-CoV-2 dùng chuỗi gen RNA kết hợp với các protein trong tế bào chủ để sản sinh ra protein mới và tiếp tục nhân bản. Do là chuỗi di truyền đơn RNA, nên cấu trúc virus SARS-CoV-2 không ổn định, dễ bị thay đổi sau nhiều lần nhân bản. Vì vậy, sự dị biến của các virus họ RNA thường được dự đoán sẽ xảy ra. 

Một chủng virus được xem là mới khi có sự thay đổi đáng kể về gen và có thể thay đổi (hoặc không thay đổi) về đặc tính sinh học. 

“SARS-CoV-2 từ lúc gây bệnh đã nhân bản tỉ tỉ tỉ lần. Vì vậy, chắc chắn sẽ có nhiều sự thay đổi trong gen của virus này. Các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đã phân tích và tìm ra nhiều sự thay đổi trong chuỗi gen đơn RNA”, PGS Huỳnh cho biết. 

Từ khi đại dịch khởi phát, gen của virus SARS-CoV-2 đã được GISIAD - tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích gen của virus cúm mùa từ Đức, Singapore và Mỹ, theo dõi kỹ càng. Tháng 3, GISAID nhận ra có 3 thay đổi lớn dựa trên 160 phân tích gen của SARS-CoV-2 toàn cầu và tạm xếp vào 3 nhóm A, B, và C. Đến tháng 7, GISAID có 73,000 phân tích gen và phân loại gần 5,000 gen của virus này. 

“Việc có các chủng mới của SARS-CoV-2 là điều đương nhiên. Với tốc độ phát tán và lây nhiễm hiện nay, chúng ta sẽ thấy có thêm nhiều chủng mới được phát hiện”, chuyên gia khẳng định. 

Để biết SARS-CoV-2 có nguy hiểm không, các nhà nghiên cứu theo dõi khả năng thay đổi ít hay nhiều của virus. Theo các nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu quốc gia Los Alamos, hiện nay, virus SARS-CoV-2 thay đổi ít hơn rất nhiều so với virus HIV và cúm mùa.

“Quan trọng hơn là chưa bằng chứng nào cho thấy có thêm độc tố của virus này, hay khả năng gây bệnh mạnh hơn. Bài báo từ New England Journal of Medicine cho thấy, virus SARS-CoV-2 chủng D614G thay đổi gene S spike protein rất chậm, chỉ 0,3% so với bản gốc từ Vũ Hán”, PGS Huỳnh cho hay.

D614G - chủng đáng quan tâm nhất

Mới đây, giới chức y tế Malaysia thông báo đã phát hiện một biến chủng mới của SARS-CoV-2 là D614G. Chủng này có khả năng lây lan nhanh gấp 10 lần so với chủng virus được phát hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc.)

Bộ trưởng Y tế Malaysia - Noor Hisham Abdullah cho biết, biến chủng D614G của SARS-CoV-2 do Viện Nghiên cứu Y học Malaysia phát hiện trong 4 ca bệnh tại 2 ổ dịch Covid-19 trong nước. So với những biến chủng khác, D614G nhân bản nhanh hơn trong hệ thống hô hấp. Chủng này đồng thời có khả năng lây nhiễm từ người sang người cao hơn.

Bộ trưởng Abdullah nhấn mạnh, biến chủng này có khả năng lây nhiễm gấp 10 lần và có thể lây lan thông qua một trường hợp “siêu lây nhiễm”.

Chia sẻ về chủng này, PGS Huỳnh cho rằng: “Chủng virus SARS-CoV-2 đang chiếm phần lớn toàn cầu đó là D614G. Chủng này đáng quan tâm nhất vì đây là chủng có thay đổi một amino acid (từ Aspartate D thành Glycine G 614) tại S spike protein. Đây là protein quan trọng để bám vào tế bào chủ và gây bệnh”.

Chuyên gia này lấy dẫn chứng, nhóm nghiên cứu do TS Korber dẫn đầu tại Viện nghiên cứu Los Alamos đánh giá, khả năng nhiễm bệnh của chủng D614G đã tăng lên đáng kể, do tốc độ nhân bản của virus. Các thay đổi Amino Acid ở các chủng khác không xảy ra ở S Spike protein nên ít nguy hiểm hơn. 

“Tuy nhiên, các nhà khoa học từ Anh cho rằng, đánh giá này hơi sớm và vội vàng. Chưa có bằng chứng cho thấy một chủng virus SARS-CoV-2 độc và mạnh hơn”, PGS Huỳnh chia sẻ. 

Biến chủng ảnh hưởng đến vắc-xin?

“Virus SARS-CoV-2 rõ ràng thay đổi, nhưng rất nhỏ và chậm. Nguy hiểm nhất có thể là phần S spike protein (chủng D614G). Tuy nhiên, các thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến vắc-xin, vì kháng thể do vắc-xin tạo ra thường có khả năng nhận dạng virus qua toàn bộ S spike protein”, PGS Huỳnh giải thích. 

Theo chuyên gia này, dựa trên nhiều phân tích trên, chủng mới tại Việt Nam có thể là D614G. Đây cũng là chủng đang “hoành hành” ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, D614G có thể không thay đổi độc tố của virus, cách lây bệnh, cũng như khả năng bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc tử vong. PGS.TS Huỳnh Trần nhấn mạnh, người dân cần tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo về sức khoẻ để phòng, chống Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.