Các bệnh lý tim mạch được đánh giá là mối đe doạ lớn nhất với sức khoẻ người Việt Nam vì số người mắc bệnh ngày càng cao và chiếm hàng đầu. Chúng ta chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch trong cộng đồng nhưng thực tế bệnh tim mạch gia tăng hàng năm rất nhanh chóng.
Nhu cầu xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch
Báo động là tình trạng tử vong do các bệnh tim mạch chủ yếu xuất phát từ người bệnh ở tuyến dưới khi họ không được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo thống kê tại Viện tim mạch Quốc gia, 60% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến viện sau 12 giờ có các triệu chứng đau thắt ngực, gần 40% đến trước 12 giờ và chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được đưa đến viện trong khoảng “giờ vàng” để đảm bảo điều trị tốt.
Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân còn được đưa đến bệnh viện muộn hơn, thậm chí sau 2 ngày có cơn đau thắt ngực. Theo khuyến cáo, với bệnh nhân khi xuất hiện cơn đau thắt ngực thời điểm lý tưởng để thực hiện can thiệp thông mạch vành là 2 giờ kể từ khi có triệu chứng này. Sau 6 giờ là thời gian vàng để can thiệp, trước 12 giờ người bệnh vẫn còn cơ hội điều trị tốt nhưng với những trường hợp đến viện sau 12 giờ rất khó cứu hoặc để lại di chứng nặng nề.
Theo quyết định phân công của Bộ Y tế, các bệnh viện hạt nhân chuyên ngành tim mạch là Bệnh viện tim Hà Nội, Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai,...
Nhiều gói kỹ thuật tim mạch đã được chuyển giao xuống các bệnh viện tuyến tỉnh. Các gói kỹ thuật siêu âm tim mạch, gói kỹ thuật tim mạch can thiệt, gói kỹ thuật tim mạch, gói kỹ thuật tim mạch cơ bản, gói kỹ thuật phẫu thuật tim mạch cơ bản, gói cấp cứu tim mạch, gói can thiệp tim mạch cơ bản...đã được chuyển giao cho các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh như Hoà Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá...
Đi liền với chuyển giao kỹ thuật là hàng chục lớp đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ bác sĩ bệnh viện vệ tinh theo các gói kỹ thuật. Các bệnh viện hạt nhân cũng cử các chuyên gia xuống tận nơi hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh. Khi xuống chuyển giao kỹ thuật đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, thực hiện khám chữa bệnh cho người bệnh tại địa phương.
"Cứu tinh" của bệnh nhân tim mạch tuyến dưới
Mô hình bệnh viện vệ tinh góp phần quan trọng trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân tuyến dưới. Sau khi tiếp nhận chuyển giao, các bệnh viện vệ tinh đã thực hiện được các kỹ thuật khó chuyên sâu ngành tim mạch.
TS.BS Nguyễn Thị Thoa, trưởng khoa tim mạch Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết, Bệnh viện đã thực hiện được những kỹ thuật như đặt máy tạo hình nhịp cấp cứu, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn hay siêu âm thực quản vốn khó thực hiện ở tuyến tỉnh. Hay những bệnh nhân nhồi máu cơ tim có sốc tim nếu không can thiệp được cấp cứu trước khi chuyển đi người bệnh rất rủi ro, thậm chí tử vong trên đường thì nay đã có thể can thiệp, cứu được người bệnh. Từ khi các kỹ thuật tim mạch được triển khai, số lượng bệnh nhân phải lên tuyến trên giảm, cứu sống được nhiều người bệnh hơn.
Hiện, các bệnh viện đa khoa tỉnh như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...đã thực hiện tốt kỹ thuật tim mạch can thiệp. Đáng chú ý, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện sản nhi Nghệ An đã thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật tim bẩm sinh. Tỷ lệ chuyển tuyến đối với các kỹ thuật được chuyển giao tại các bệnh viện đa khoa tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh,... đã giảm rõ rệt.
ThS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh đánh giá cao vai trò của các bệnh viện hạt nhân. Mặc dù vậy, mỗi bệnh viện vệ tinh lại có sự quan tâm và mức độ đầu tư của UBND tỉnh và Sở Y tế khác nhau nên hiệu quả có sự phân hoá.
“Các bệnh viện hạt nhân cần hoàn thiện quy trình, chương trình chuẩn cho đào tạo chuyển giao kỹ thuật. Các bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch cần gắn kết phát triển với phát triển ngoại khoa và hồi sức tích cực để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại cơ sở”, ThS Cao Hưng Thái đề nghị.