Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Cấp cứu tiến hành thăm khám và cho chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Cùng với hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bé T.A. bị lồng ruột cấp và chỉ định tháo lồng ruột bằng hơi.
Thủ thuật được diễn ra ngay sau đó dưới sự hỗ trợ của máy tháo lồng bằng hơi. Chỉ sau một lần thực hiện bơm hơi với áp lực 80 mmHg, các bác sĩ đã tháo lồng thành công. Kết quả chụp C-arm cho thấy, các quai ruột đều, không còn hiện tượng lồng các đoạn ruột vào nhau. Hiện tại, bệnh nhi ổn định và đã được xuất viện sau một ngày theo dõi.
BS. Huỳnh Tấn Đạt, khoa Ngoại tổng quát khuyến cáo: Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của lồng ruột, cần đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời, tốt nhất trong vòng 24 giờ. Nếu để quá lâu thì ruột non và các mạch máu nuôi dưỡng đi kèm chui vào ruột già làm ruột bị tắc, các mạch máu bị nghẽn lại, đoạn ruột lồng sẽ bị hoại tử, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Được biết, đây là trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị lồng ruột hiếm gặp (thông thường trẻ bị lồng ruột từ 2-3 tuổi) và ít bệnh viện tuyến quận/huyện có thể điều trị được.