Ngày 12/8, bệnh nhân L.T.S. (88 tuổi) tại Hậu Giang được đưa đến bệnh viện trong tình trạng không tiếp xúc, liệt nửa người phải. Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân khởi phát triệu chứng cách nhập viện khoảng 3 giờ.
Bệnh nhân mắc các bệnh lý khác như đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã nhanh chóng làm các xét nghiệm cần thiết, chụp CTscan não và báo động cấp cứu đột quỵ.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não (tắc mạch máu nuôi trong não). Ê-kíp cấp cứu đột quỵ đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, nhằm tái thông mạch máu não bị tắc. Kiểm tra mạch máu não sau khi tiêm thuốc không thấy tắc các mạch máu lớn trong não.
Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn về tri giác và vận động sau đó 12 giờ, từ thời điểm vào bệnh viện đến khi được tiêm thuốc khoảng 45 phút. Sáng 17/8, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vận động tứ chi bình thường, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Trong 12 tháng qua, đội cấp cứu Đột quỵ của bệnh viện đã điều trị 460 trường hợp. Tuy nhiên, số lượng này chỉ chiếm khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ nhập viện. Các bệnh nhân nhồi máu não đến bệnh viện sau 6 giờ kể từ khi khởi phát thì cơ hội được điều trị còn rất ít.
Do đó, khi bị đột quỵ, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện - nơi có đơn vị can thiệp mạch não càng sớm càng tốt.
Theo TS. Hà Tấn Đức - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hiện nay, y học tiến bộ giúp điều trị thành công nhiều trường hợp tai biến mạch máu não, bệnh nhân có thể nhanh chóng sinh hoạt bình thường trở lại.