Cựu lưu học sinh Lào trở lại Việt Nam thăm trường cũ

GD&TĐ - Trong 3 ngày (26-28/10), 100 cựu lưu học sinh Lào đã trở về thăm lại những trường học trước đây mình từng học tập, rèn luyện tại Việt Nam.

Thứ trưởng Sisouk Vongvichit cùng các cựu lưu học sinh tham quan Nhà Truyền thống Việt - Lào tại Trường T2 Bắc Giang (nay là Trường Trung cấp Biên phòng 1).
Thứ trưởng Sisouk Vongvichit cùng các cựu lưu học sinh tham quan Nhà Truyền thống Việt - Lào tại Trường T2 Bắc Giang (nay là Trường Trung cấp Biên phòng 1).

Đoàn cựu lưu học sinh Lào do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Sisouk Vongvichit làm trưởng đoàn. Trong đoàn học sinh trở về thăm Việt Nam lần này có những lưu học sinh đã ở tuổi 80.

Đây là một hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào.

100 cựu lưu học sinh Lào là đại diện cho hơn 60.000 lưu học sinh Lào đã được đào tạo tại Việt Nam qua các thời kỳ. Đoàn cựu lưu học sinh đã đến thăm và giao lưu với các cựu giáo viên các Trường T2, Bắc Giang (nay là Trường Trung cấp Biên phòng 1); Trường T1, Phú Thọ (nay là Trường Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ); Trường Hữu nghị 80 và Trường Hữu nghị T78.

Thăm lại trường xưa, những người con của nhân dân các bộ tộc Lào đã được học tập, rèn luyện tại Việt Nam không khỏi bồi hồi, xúc động. Dưới những mái trường này, ngay trong những năm tháng mưa bom, bão đạn, những người thầy, người cô Việt Nam đã dạy dỗ, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ văn hóa cho các cán bộ Lào. Từ những mái trường mang nặng tình cảm thân thiết Việt - Lào những người con của nhân dân các bộ tộc Lào đã trở về dựng xây đất nước.

Đoàn cựu lưu học sinh Lào thăm Trường Hữu nghị 80.
Đoàn cựu lưu học sinh Lào thăm Trường Hữu nghị 80.

Tại Trường T2 tỉnh Bắc Giang, nay là trường Trung cấp Biên phòng 1, những cựu lưu học sinh Lào đã thăm Nhà truyền thống Việt - Lào. Nơi đây đã lưu lại những hiện vật, những hình ảnh quý giá của những năm tháng vượt qua gian khổ để rèn luyện, học tập của bao thế hệ lưu học sinh Lào tại Việt Nam.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường T1 đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo văn hóa, nghiệp vụ an ninh chính trị cho bộ đội và học sinh Lào. Hiện nay, nhà trường tiếp tục đào tạo tiếng Lào, nghiệp vụ biên phòng cho một số cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới Việt - Lào.

Đoàn cựu Lưu học sinh Lào tại Trường T2 Bắc Giang (nay là Trường Trung cấp Biên phòng 1).
Đoàn cựu Lưu học sinh Lào tại Trường T2 Bắc Giang (nay là Trường Trung cấp Biên phòng 1).

Trường T1 tỉnh Phú Thọ, nay là Trường Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ là một trong bốn trường phổ thông tiếp nhận con em các bộ tộc Lào sang học tập, nghiên cứu từ những năm 1969.

Thầy giáo Đặng Vũ Chừng, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông miền núi số 1 (T1) Phú Thọ, giai đoạn 1977-1984 xúc động chia sẻ: Sau hơn 40 năm các em quay lại với trường, những thầy giáo, cô giáo khi xưa người còn, người mất. Nhưng tình cảm của những lưu học sinh Lào khi xưa không chỉ là tình cảm thầy trò thông thường. Mà còn là tình nghĩa thầy Việt - trò Lào và được đặt trên cơ sở tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Thăm và giao lưu tại hai trường Hữu nghị T78 và 80, những người học trò đến từ đất nước Lào và thầy giáo, cô giáo Việt đã cùng ôn lại những năm tháng khi cùng nhau học tập, rèn luyện dưới mái trường thắm đượm tình hữu nghị Việt - Lào. Những cựu lưu học sinh Lào khi xưa chia sẻ: Thầy cô Việt Nam đã hy sinh tất cả vì lưu học sinh Lào. Không có thầy cô ngày ấy thì không có chúng tôi ngày hôm nay.

Thứ trưởng Sisouk Vongvichit xúc động khi gặp lại thầy giáo Việt Nam.
Thứ trưởng Sisouk Vongvichit xúc động khi gặp lại thầy giáo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Sisouk Vongvichit xúc động cho biết, mỗi lần sang Việt Nam đều rất cảm động khi nhớ về thời học sinh, thời chiến tranh, nhất là những bố mẹ Việt Nam đã nuôi nấng các lưu học sinh trong những năm tháng khó khăn, khi nhà trường bị phá hủy.

Thứ trưởng Sisouk Vongvichit cũng mong muốn những thế hệ lưu học sinh Lào ngày nay đang học tập, rèn luyện tại Việt Nam phải hiểu rõ về mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam. Qua đó, ra sức học tập, rèn luyện để trở về xây dựng đất nước Lào ngày càng vững mạnh. Các lưu học sinh Lào tại Việt Nam qua từng thế hệ sẽ là sợi dây để ngày càng thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, thủy chung gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ