Cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long, nguyên Trưởng BQL vịnh Hạ Long bị truy tố về hai tội danh 'Tham ô tài sản' và 'Nhận hối lộ'.

Bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long, nguyên Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long. Ảnh: Đức Hiếu
Bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long, nguyên Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long. Ảnh: Đức Hiếu

Sáng 19/4, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long cùng 27 bị cáo trong vụ án tại Công ty CP Quản lý đường sông số 3. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.

Ông Phạm Hồng Hà nhận hối lộ thế nào?

Trong vụ án trên, bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long, nguyên Trưởng ban Quản lý (BQL) vịnh Hạ Long bị truy tố về hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ”.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh xác định từ năm 2016, Sở GTVT Quảng Ninh có bàn giao một số tuyến đường thủy nội địa trên khu vực vịnh Hạ Long cho BQL vịnh Hạ Long tiếp quản theo phân cấp.

Sau khi được giao quản lý, BQL vịnh Hạ Long đã làm chủ đầu tư và triển khai đấu thầu công khai các gói thầu về công tác quản lý, bảo trì, đầu tư, xây lắp, cung cấp, vận chuyển trên tuyến đường thủy nội địa thuộc vịnh Hạ Long.

Khi biết BQL vịnh Hạ Long chuẩn bị tổ chức đấu thầu, Phạm Văn Phả khi đó là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đã nhờ Bùi Sĩ Giáp, Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan BQL vịnh Hạ Long để có thể gặp ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm Trưởng BQL vịnh Hạ Long nhằm mục đích xin được thực hiện các gói thầu.

Sau quá trình gặp gỡ, ông Hà đồng ý và yêu cầu phải trích phần trăm “hoa hồng” với tỉ lệ 5% giá trị hợp đồng cho riêng cá nhân ông Hà, kèm theo đó là 3 - 5% giá trị hợp đồng dành cho Giáp.

Ngoài ra, với các gói thầu đầu tư, xây dựng không thể bớt xén được khối lượng công việc thì phải trích lại 3% hợp đồng cho ông Hà và 2% cho Bùi Sĩ Giáp. Riêng Phạm Thái Dương, nhân viên BQL vịnh Hạ Long là người trực tiếp thực hiện các hồ sơ thì được trích lại 1% giá trị các hợp đồng.

Bằng chiêu trò “quân xanh, quân đỏ”, trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2021, Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đã ký kết được 18 hợp đồng với BQL vịnh Hạ Long có tổng giá trị hơn 69 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định các bị can trong vụ án đã lập khống hồ sơ nghiệm thu để chiếm đoạt qua bốn hợp đồng quản lý, bảo trì số tiền hơn 4,5 tỉ đồng.

Đối với bốn hợp đồng đầu tư, xây lắp không cắt xén được khối lượng công việc thì Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đã trích lại cho ông Phạm Hồng Hà, Bùi Sĩ Giáp và Phạm Thái Dương số tiền 517 triệu đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 19/4. Ảnh: Đức Hiếu

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 19/4. Ảnh: Đức Hiếu

Theo tỷ lệ phần trăm “hoa hồng” đã được thống nhất từ trước, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long được xác định có 6 lần nhận hối lộ trực tiếp từ Phạm Văn Phả, tổng số tiền 725 triệu đồng để giúp Công ty CP Quản lý đường sông số 3 trúng các gói thầu về công tác quản lý, bảo trì, xây lắp cũng như bớt xén khối lượng thi công công việc trên tuyến đường thủy nội địa do BQL vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư.

Với các hành vi trên, Phạm Hồng Hà và Bùi Sĩ Giáp bị đề nghị truy tố các tội “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ” quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 353 và các Điểm c, e thuộc Khoản 2, Điều 354 của Bộ luật Hình sự…

Theo cáo trạng, quá trình điều tra trừ bị cáo Phạm Hồng Hà, tất cả 27 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình nên đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Phóng viên khó tiếp cận phiên xét xử

Hàng chục công an được điều động bảo vệ phiên tòa. Ảnh: Minh Cương

Hàng chục công an được điều động bảo vệ phiên tòa. Ảnh: Minh Cương

Từ sáng sớm 19/4, nhiều người dân cùng hàng chục phóng viên đại diện của các báo, tạp chí có mặt tại cổng TAND tỉnh Quảng Ninh, nhưng khu vực trên bị lực lượng chức năng phong tỏa cấm đường.

Đây là phiên tòa được mở công khai nhưng cơ quan báo chí bị hạn chế vào tham dự.

Nhiều phóng viên đã xuất trình thẻ nhà báo và đề nghị được vào bên trong tham dự phiên tòa, nhưng bị lực lượng chức năng từ chối với lý do không có trong danh sách.

Trước đó, sáng 17/4, một số phóng viên của các cơ quan báo chí có buổi làm việc trực tiếp với Chánh Văn phòng TAND tỉnh Quảng Ninh đề nghị được tham dự phiên tòa.

Vị đại diện này yêu cầu các phóng viên có đơn tham dự tòa kèm bản chứng thực thẻ nhà báo để tòa xem xét. Sau đó, các phóng viên đã hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu và nộp lại cho vị Chánh Văn phòng TAND tỉnh Quảng Ninh vào lúc 10 giờ 30 phút cùng ngày.

Đến sáng 18/4, Chánh Văn phòng TAND tỉnh Quảng Ninh thông báo những phóng viên này không được vào tham dự, đưa tin với lý do không được “sếp” phê duyệt.

Lực lượng chức năng lập hàng rào cấm tuyến đường trước cổng TAND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương

Lực lượng chức năng lập hàng rào cấm tuyến đường trước cổng TAND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương

Đến sáng 19/4, ngày xét xử công khai vụ án trên, đoạn đường trước TAND tỉnh Quảng Ninh bị phong tỏa, chỉ những người có trong danh sách mới được vào bên trong. Hàng chục phóng viên của các cơ quan báo chí đều phải ngồi ngoài đường để “hóng” thông tin qua chiếc loa lúc tịt lúc rè phát ra từ bên trong sân của TAND tỉnh Quảng Ninh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ