Cuống cuồng cai nghiện Internet cho trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sắp bước vào năm học mới, nhưng trẻ lúc nào cũng dậy trễ, mắt dán vào màn hình điện thoại, máy tính bảng để chơi game, lướt mạng xã hội.

Trẻ được mẹ dẫn đến khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vì có những rối loạn về hành vi sau 3 tháng hè. Ảnh: Hiếu Hiền
Trẻ được mẹ dẫn đến khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vì có những rối loạn về hành vi sau 3 tháng hè. Ảnh: Hiếu Hiền

Sắp bước vào năm học mới, nhưng trẻ lúc nào cũng dậy trễ, mắt dán vào màn hình điện thoại, máy tính bảng để chơi game, lướt mạng xã hội. Nhiều cha mẹ đã cuống cuồng đưa con đi bác sĩ khám, tìm cách cai nghiện Internet.

Dành cả mùa Hè để lên mạng

Sau một năm học vất vả, chị Lê Thị Thanh Hương (38 tuổi, Thủ Đức, TPHCM) quyết định cho 2 con gái được thảnh thơi cả một mùa Hè. Hai cô bé chuẩn bị lên lớp 3 và 4 không buộc phải học hè, cũng không phải học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ. Kinh doanh online nên chị Hương thường xuyên ở nhà, tự tin mình sẽ quản lý được hai con.

Sau vài tuần đưa con về bên nội, bên ngoại, chị Hương tất bật với công việc mỗi ngày. Hai đứa trẻ túm tụm trong căn nhà cấp 4 chật hẹp ở thành phố lớn, không biết đi đâu chơi, suốt ngày xem tivi và điện thoại. Chị quyết định chỉ giới hạn cho con tối đa dùng 3 giờ điện thoại/ngày, nhưng rồi con cứ năn nỉ xin thêm giờ, chị cũng đành chiều con.

3 tháng hè trôi qua, chuẩn bị đến ngày nhập học, chị Hương tá hỏa vì phát hiện thị lực của con có vấn đề. Khám bác sĩ nhãn khoa, 2 trẻ bị chẩn đoán đã mắc tật cận thị và viễn thị lên đến 2,75 độ. Chưa kể, gần hết hè nhưng cả hai con đều không có chuẩn bị kiến thức hay tâm thế sẵn sàng cho việc học.

Chị Thanh Hương cho biết rất lo lắng cho cô con gái chuẩn bị lên lớp 3. Thời điểm phải thuộc bảng cửu chương nhân và chia thì con vẫn đang mải ham chơi trong thế giới mạng Internet. Mỗi khi yêu cầu con ngừng chơi điện thoại, các con nói năng cộc cằn, thô lỗ với mẹ.

Chị Trần Thanh Thanh, có 2 con trai đang học THCS và THPT ở quận Tân Bình, TPHCM cũng cho biết, thời lượng sử dụng smartphone của con trung bình khoảng 4 giờ mỗi ngày. Sau khi hết thời gian đó, vì mẹ phải đi làm nên các con được tự do xem tivi có kết nối mạng.

Chị Nguyễn Thị Thuận, Quận 9, TPHCM cho hay chị đi làm mỗi ngày, về đến nhà quá mệt mỏi để có thể chơi với con. Có hôm phải bận học hoặc xử lý công việc nên đành phân phát điện thoại cho con chơi để mình có thể tập trung.

Lâu dần, con gái của chị cứ ôm khư khư điện thoại trên tay. Dù biết là không tốt cho con nhưng với môi trường sống chật chội, thiếu không gian vui chơi an toàn cho trẻ, chị đành bất lực với chứng nghiện Internet của con.

Xuất hiện rối loạn tâm lý

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), số trẻ đến khám tâm lý trong thời điểm ngày cuối hè cao hơn ngày thường từ 20 - 30%. Những trường hợp đến khám rơi vào các rối loạn tâm lý như trầm cảm, rối loạn hành vi, rối cảm xúc, sa sút học tập. Rất nhiều ca, sau khi tiếp nhận, các chuyên gia tâm lý mới phát hiện ra các rối loạn tâm lý này có liên quan đến việc sử dụng Internet quá nhiều, nhất là trong những tháng hè.

Anh Trần Văn Dũng (25 tuổi, quận Tân Bình, TPHCM) đưa em trai 15 tuổi đến khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vì thấy em có biểu hiện rất kỳ lạ trong những ngày gần đây. “Em tôi suốt ngày ở trong phòng, ăn uống cũng ở trong phòng. Gần đây, tôi về nhà, thấy nó buồn bã, chán nản, mất ngủ, người phờ phạc”, anh Dũng cho biết. Sau khi được gợi mở, động viên từ chuyên gia tâm lý, em trai anh Dũng mới nói thật là chơi game online suốt ngày đêm.

Tuy nhiên, trận game nào cũng thắng, em sinh ra chán nản, mất hứng thú với mọi thứ. Những ý tưởng tự sát xuất hiện sau nhiều đêm mất ngủ. Em được chẩn đoán bị rối loạn trầm cảm và phải cần sự can thiệp tâm lý để tránh nguy cơ tự sát.

ThS tâm lý lâm sàng Phùng Thị Lụa, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đây là một trong số hơn 10 trường hợp xuất hiện các rối loạn tâm lý có liên quan đến chứng nghiện Internet (trong đó bao gồm cả nghiện game online, mạng xã hội) mà chị tiếp nhận trong thời gian qua.

“Những trẻ xuất hiện các rối loạn tâm lý liên quan đến nghiện Internet thông thường sử dụng mạng lên đến hơn 10 giờ mỗi ngày. Các em chơi game online và dùng mạng xã hội cho đến tận 1 - 2 giờ sáng mới đi ngủ. Một số biểu hiện khác như không chịu ra khỏi nhà, từ chối kết bạn, trò chuyện với người khác; tính tình cộc cằn, chán ăn, lười vệ sinh thân thể”, chuyên gia tâm lý Phùng Thị Lụa nói.

ThS tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec cho biết, số trường hợp trẻ liên quan đến cai nghiện Internet chiếm khoảng 10% các vấn đề của trẻ. Phụ huynh đưa trẻ đến khám vì gặp thất bại trong việc kiểm soát, hạn chế thời gian dùng Internet.

Trẻ phản ứng lại bằng thái độ bất hợp tác, hạn chế các tương tác xã hội với gia đình, bạn bè, họ hàng… để dành thời gian cho việc dùng Internet. Kết quả học tập của trẻ sa sút và gặp khó khăn khi đến trường… Trẻ cũng gặp các vấn đề về sức khoẻ do sử dụng Internet không điều độ, thời gian biểu sinh hoạt bị đảo lộn, thiếu ngủ.

Đồng hành với con

ThS tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện phân tích, nghiện Internet là cả một quá trình. Do đó, để cai nghiện Internet cho trẻ, cần thực hiện từng bước một.

“Nếu trẻ đang dùng một ngày 8 tiếng mà cắt ngay thì trẻ dễ nổi cáu. Chúng ta không thể kỳ vọng thực hiện cai nghiện ngay trong một vài ngày. Phải nương theo trẻ. Nên đối thoại cởi mở với trẻ về quy tắc dùng smartphone, dùng bao nhiêu phút mỗi ngày.

Tuy nhiên, phụ huynh không nên để con đến mức nghiện Internet thì mới can thiệp. Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa nghiện Internet và rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...”, ThS Vương Nguyễn Toàn Thiện nói.

Các chuyên gia tâm lý cũng lưu ý nhiều cha mẹ dùng các phương pháp bạo lực và mang tính trừng phạt như: Cất, khóa điện thoại; la mắng, đánh đòn... nhằm nghiêm cấm trẻ dùng smarphone, laptop để lên mạng Internet. Đây là cách can thiệp không hiệu quả, thậm chí làm xấu thêm tình trạng của trẻ.

“Trước mắt, cần chuẩn bị tâm thế cho trẻ bằng cách trò chuyện với con, giúp con hiểu rõ thời gian nghỉ hè đã hết, thời gian thoải mái sử dụng điện thoại, máy tính bảng để lên mạng Internet sẽ phải hạn chế lại.

Những hoạt động khác như trò chuyện về thầy cô chủ nhiệm mới; mua sắm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập; thảo luận về lịch học tập, sinh hoạt trong năm học mới... cũng sẽ giúp trẻ dần dần hiểu được bản thân cần phải hạn chế sử dụng Internet để chuẩn bị đến trường. Cha mẹ phải luôn đồng hành cùng con thì các biện pháp hạn chế sử dụng Internet mới có thể hiệu quả”, ThS Phùng Thị Lụa tư vấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Truyện ngắn: Mùa lũ năm đó

GD&TĐ - Ban đêm, nằm nghe tiếng mưa rào rào bộp bộp, bện trong tiếng ầm ầm, hun hút của gió, tôi thấy hối hận cái ước mơ thích lũ để làm bè chuối bơi khắp xóm.
Ảnh minh họa ITN.

Từ vũ điệu chia xa…

GD&TĐ - Mark Twain từng phát biểu “Nỗi sợ cái chết đến từ nỗi sợ cuộc sống. Người sống được hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào”.