Cuốn sổ và tấm lòng của cô giáo dạy Văn

Cuốn sổ và tấm lòng của cô giáo dạy Văn

(GD&TĐ) - Đầu năm học lớp tám, mấy đứa bạn kháo nhau: “Cô Hoa sẽ dạy đội tuyển của mình đấy!”, tôi kêu “Ối”. Cô Hoa thì… thôi rồi! Cô dạy giỏi, học sinh nào cũng phải trầm trồ. Cô cũng nổi tiếng là người có khuôn mặt lạnh như nước đá, cách xưng hô “tôi” – “anh”, “bạn”, “cô” nghe chẳng gần gũi chút nào. Đã thế, cô lại rất khắt khe khi kiểm tra bài vở. Khái niệm, định nghĩa phải chính xác từng từ. Và đặc biệt, cô không bao giờ có sự châm chước cho học sinh khá, giỏi.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Biết cô sẽ chủ nhiệm đội tuyển, tôi lo hơn mừng. Chỉ đến khi cô dạy, tôi mới vỡ lẽ nhiều về ý nghĩa của việc học và viết văn.

Cô bảo, điểm quan trọng nhất trong một bài văn hay là sự chân thành và sáng tạo. “Viết như những gì các bạn nghĩ, đừng lo sai, đừng dẫn ý của các nhà phê bình văn học nếu như các bạn chưa hiểu”. Cô nói, bài văn của học sinh giỏi không hẳn là bài nêu đầy đủ các ý trong biểu điểm, nhưng phải thể hiện một suy nghĩ độc lập, mang dấu ấn sáng tạo của người viết. Nhờ học cô, chúng tôi được trang bị khá bài bản các phương pháp làm bài văn hay. Cô lại phân tích cụ thể các ví dụ, khiến chúng tôi như được “mở mắt”.

Cô vẫn là giáo viên dạy văn lạnh lùng nhất, nhưng cũng là người suy nghĩ cởi mở và thấu hiểu tâm lí học trò nhất trong số những người thầy của tôi. Cô không tỏ ra ưu ái với bất cứ học sinh nào, không bao giờ so sánh hay xếp hạng chúng tôi trong đội tuyển. Cô không chấm điểm, chỉ nhận xét. Và cô nhận xét rất tỉ mỉ bài của từng người bằng giọng nói đều đều, trung tính. Cô cho chúng tôi thấy, văn của  mỗi người đều có nét riêng. Nhờ đó, chúng tôi tập trung vào sở trường của bản thân mình thay vì chú ý đến sự vượt trội của bạn bè, để rồi tự ti, lo lắng.  Nhiều khi thấy bài viết của mình kém quá, chúng tôi rất thất vọng về bản thân. Song, cô bình thản bảo chúng tôi đừng lo và gợi ý cách khắc phục. Những lời ngắn ngủi ấy của cô khiến chúng tôi vững tâm và tin tưởng lạ lùng. Những lời cô nói không phải để an ủi mà giống như lời phán. Chúng tôi bảo nhau, cô Hoa đã phán thì chỉ có chuẩn!

Thi thoảng cô hỏi thăm gia đình chúng tôi, nhắc nhở đứa này mặc thêm áo cho đỡ lạnh, bảo đứa kia đừng cúi xuống sát quyển vở. Những lúc như thế, cô xưng “mày – tao”, nghe có vẻ xuồng xã, nhưng chúng tôi lại thấy thích thú bởi vẻ gần gũi rất riêng, như con người cô vậy. Rồi chẳng biết từ khi nào, tôi để ý thấy cô có nhiều điểm thật đặc biệt: Nụ cười hiếm hoi nhưng thật tươi, và cô không cười thành tiếng; đôi mắt màu nâu nhạt, to tròn luôn nhìn thẳng vào người nói chuyện; kiểu chữ đều tăm tắp, với những nét sổ dọc thẳng đứng, rắn rỏi, những nét cong khoáng đạt, thanh thoát và nét bút dằn mạnh ở các dấu, móc phụ khiến con chữ  vừa thanh vừa sắc, toát lên vẻ khẳng khái, vững vàng như dáng dấp của cô… Tất cả những điều đó đều cuốn hút tôi.

Cô có cách truyền cảm hứng cũng thật đặc biệt, không phải qua những lời giảng trầm ấm, tha thiết mà bởi sự gắn bó lặng thầm của cô với môn văn. Chúng tôi rất thích xem mấy quyển sổ tay thời đi học của cô. Trong đó, cô ghi lại những ý mới lạ, những đoạn văn hay và những câu chuyện văn học lí thú. Những cuốn sổ được cô lưu giữ mấy chục năm, giấy đã ngả vàng, nhưng không hề có một mép quăn, bìa sổ được bọc kĩ càng. Cuốn sổ hé lộ một tấm lòng bền bỉ và trân trọng mà cô dành cho văn chương từ khi cô nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi.

Có lần, cô tâm sự, bố mẹ cô là giáo viên Toán, các anh chị em của cô đều học tự nhiên. Nhưng từ nhỏ cô đã chọn theo văn mặc những lời can ngăn của mọi người. Những tác phẩm văn chương chính là bạn tâm tình của cô trong những lúc buồn, vui hay lẻ loi nhất. Cô nói văn không phải là môn học thức thời. Có thể chúng tôi, cũng như cô hồi nhỏ, sẽ bị gia đình phản đối, bạn bè xem thường, nhưng chúng tôi, hãy tin vào lựa chọn và niềm yêu thích của mình. Đấy là lần duy nhất cô kể về bản thân. Trong một chiều muộn mùa đông, khi chúng tôi sắp kết thúc đợt ôn đội tuyển, trong đám bạn học của tôi, có đứa sụt sùi, có đứa viết vào sổ lời dặn của cô. Còn tôi, lòng tràn ngập niềm hân hoan, ấm áp, thầm cám ơn cô đã cho tôi động lực để tiếp tục con đường mình chọn. Đến bây giờ, cô vẫn là người thầy mà tôi ngưỡng mộ và ghi nhớ nhất.n

Mã số: 1080

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ