Ra đời năm 1875, ở thời điểm chuyển giao, khi Nhật Bản bắt đầu có những bước chuyển mình trong công cuộc Canh Tân Minh Trị song vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tư duy theo lối thủ cựu Nho giáo, tác phẩm đã góp phần thay đổi thế giới quan của người Nhật đương thời.
Từ những đặc điểm và sự phát triển văn minh các quốc gia châu Âu, Fukuzawa Yukichi đã nêu lên những điểm khác biệt, những sự lạc hậu của Nhật Bản đương thời. Từ đó, ông lý giải rõ hành trình mà Nhật Bản phải đi để tạo dựng nền văn minh mới và nhấn mạnh tiến lên văn minh là cách để xây dựng nền độc lập dân tộc.
Theo ông, “Lý do duy nhất để thúc đẩy dân tộc Nhật Bản tiến bước trên con đường văn minh chính là để giữ gìn độc lập”. Bàn về văn minh được trình bày bằng những cơ sở lý luận chặt chẽ cùng lối văn phong sáng rõ, giản dị nhưng không kém phần sâu sắc; thể hiện rõ tư tưởng, triết học, quan điểm lịch sử, quan điểm quốc gia của Fukuzawa Yukichi.
Với những giá trị to lớn mang trong mình, Bàn về văn minh được đánh giá là nền tảng lý luận để Nhật Bản từ một quốc gia lạc hậu trong thế kỷ 19 trở thành một cường quốc hiện nay.
Bàn về văn minh được coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản. Giàu tính triết luận, Bàn về văn minh bằng cách đặt ra hàng loạt các vấn đề xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế, đạo đức… đã mở ra con đường để Nhật Bản, với tư cách một nước đang phát triển, nối kết với thế giới văn minh, tiến bộ...