Những do dự hay tranh cãi ấy chẳng thể ngăn cản đám cưới định mệnh của chúng tôi. Cũng bởi vì quá yêu nhau nên anh và tôi không thể chịu cảnh "anh ở đầu sông, em cuối sông mãi được", chúng tôi quyết định về chung một nhà. Vì mẹ chồng chỉ có một mình anh là con trai nên chồng tôi được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Thế mà tự dưng bị một con bé lạ hoắc từ đâu tới cướp mất thằng con trai quý tử thì làm sao mẹ chồng không chạnh lòng cho được.
Vì suy nghĩ sâu sắc như vậy nên thời gian đầu tôi rất thông cảm với mẹ chồng. Đó là thứ tâm lý hết sức bình thường, mang nặng đẻ đau, thức đêm thức hôm chăm con, khi lớn lên cũng không khi nào rời khỏi vòng tay mẹ, thế mà đột nhiên nó lại chỉ biết có một đứa con gái khác. Thậm chí thề sống thề chết là không thể sống thiếu nhau được… Có lẽ, sau này có con trai, tôi cũng sẽ phản ứng như thế thôi. Dù biết vậy, nhưng nghĩ tới cảnh lấy một anh chàng con một cũng khiến tôi thắc thỏm không yên.
"Hên" cái là chúng tôi không bị "ép" sống chung với bố mẹ chồng, ít ra tôi cũng có không gian riêng để hít thở cho thoải mái. Nhưng 2 ngày cuối tuần thì nhất định tôi phải khăn gói về nhà bố mẹ chồng ở để có dịp "hâm nóng" tình cảm gia đình. Không để tôi phải thắc thỏm chờ đợi, buổi sáng đầu tiên, mẹ chồng đã cho tôi trải nghiệm khá nhiều điều "lạ".
6 giờ sáng, bà đập thùm thụp cửa phòng của 2 vợ chồng: "Dậy đi! Bảnh mắt rồi còn ngủ à?". Quen thói nằm nướng ở nhà ít nhất 5 đến 10 phút trước khi dậy cuống cuồng ăn sáng rồi đi làm nên tôi không hề phản ứng gì với câu gọi như "hò đò" của mẹ chồng. Chỉ đến khi bà xộc thẳng vào phòng, quát tướng "hai đứa định ngủ đến trưa luôn à? Cái Hồng dậy đi chợ với mẹ", thì tôi mới tỉnh hẳn.
Chưa kịp đánh răng rửa mặt, mẹ chồng đã kéo tôi ra chợ, bà chỉ trỏ, bình luận đủ thứ: "Mớ rau kia ngon nhỉ, miếng thịt kia tươi thật". Sau gần một tiếng đồng hồ mua sắm, tôi oằn người xách thực phẩm về nhà cho mẹ chồng. Đói bạc mặt, định uống cốc sữa và ăn cái bánh mì cầm hơi thì bà đã kịp nghĩ ngay ra việc khác để sai: "Con lau bàn đi, ai lại để bàn bẩn thế kia". Tôi lại chạy vào bếp vớ lấy chiếc khăn lau, cẩn thận miết mặt bàn thật sạch rồi mới vào bếp pha sữa. Chưa kịp uống thì mẹ chồng hét váng lên: "Mẹ bảo lau bàn cơ mà? Sao còn chưa lau?".
Tôi chạy ra giải thích: "Con vừa lau rồi mà mẹ". Mẹ chồng tôi đanh mặt lại: "Lau đâu mà lau, cô nhìn tôi lau đây này, cái bàn này phải lau 3 lượt mới sạch, lượt thứ nhất dùng xà phòng, lượt thứ hai dùng nước, lượt thứ 3 mới dùng khăn khô lau cho bóng. Đấy, lần sau cứ thế mà làm".
Đánh vật với bàn ghế, cửa kính trong nhà xong là đến màn nấu nướng trong bếp. Mẹ chồng nghĩ ra đủ món oái oăm để "hành" tôi. Suốt 2 tiếng đồng hồ tôi phải đứng rán những con tép bé tí, lật từng con mỏi nhừ cả tay. Làm xong mệt lả nên tôi cũng chẳng muốn ăn nữa. Cuối tuần đối với tôi không khác gì cơn ác mộng, nhưng tôi chẳng còn cách nào khác, tự nhủ, có những thứ sai lầm không thể sửa chữa được.
Cứ tưởng khi đã có bầu thì tôi sẽ "yên thân" được một thời gian, ít nhất thì mẹ chồng sẽ không bắt 2 đứa phải về vào dịp cuối tuần để sai vặt tôi nữa. Nhưng ai ngờ vì rất nóng lòng muốn được đón đứa cháu đích tôn nên mẹ chồng bắt xe lên nhà tôi từ rất sớm với lý do: Lên chăm con dâu chuẩn bị đẻ. Bà mang theo một mớ lỉnh kỉnh đồ đạc chẳng kém đi buôn là bao.
Vừa ngồi xuống ghế bà đã chỉ vào đống đồ và bảo tôi: “Con giặt đống quần áo, tã lót cũ này đi để sau khi sinh mặc cho cháu”. Tôi nói với bà là mình đã sắm đủ hết rồi thì nhận ngay được cái nguýt dài: “Gớm, các chị bây giờ sẵn tiền, cái gì cũng mua mới. Đây toàn là đồ tôi đi xin của những đứa khoẻ mạnh, hay ăn chóng lớn trong họ nhà mình đấy, cố mà giặt cho sạch rồi dùng dần".