Cuộc thi nào cũng phải có "luật"!

Cuộc thi nào cũng phải có "luật"!

(GD&TĐ) - Lại một lần nữa lịch sử lặp lại ở Đại học Y Hà Nội. Còn nhớ năm 2008, dư luận đã từng ồn ã vì thí sinh thi tới 9 điểm/1 môn nhưng vẫn trượt khi đăng ký vào ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt của trường này. Năm nay, dư luận lại lên tiếng khi trường này lấy điểm trúng tuyển ngành Bác sĩ Đa khoa là 28 điểm, như vậy số thí sinh đạt 27,5, tức là có môn trên 9 điểm nhưng vẫn trượt.

Thi sinh làm bài thi. Ảnh: Internet
Thi sinh làm bài thi. Ảnh: Internet

Những ngày qua, dư luận xã hội đang “nóng” đề tài này, và để “cứu” các thí sinh có điểm thi từ 26 đến 27,5 điểm, Đại học Y Hà Nội đã đưa ra giải pháp xin Bộ GD&ĐT cho thêm 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách. Khi kiến nghị này được đưa ra, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng lại không ít ý kiến phản ứng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chiểu theo điểm số của những thí sinh này đạt được thì đúng là các em quá giỏi, và nếu phải trượt thì quả là thiệt thòi lớn cho các em và lãng phí đất nước. Tuy nhiên, cũng lại có những ý kiến ngược lại. Rằng đã là cuộc thi, những thí sinh này chấp nhận thi vào một trường hàng đầu, điểm trúng tuyển luôn rất cao và yếu tố an toàn là không chắc chắn.

Quan điểm nào đưa ra cũng đều có cái lý của nó. Đúng là thiệt thòi khi những học sinh giỏi này phải chấp nhận trượt đại học. Tuy nhiên đây là ước mơ vào những giảng đường danh giá mà không phải ai cũng bước vào được. Nếu chấp nhận, các em có thể tiếp tục thi thố ở năm sau. Còn với điểm số 27,5 của các em thì còn không ít những ngành học, những đại học lớn sẵn sàng đón nhận chứ không hẳn là đường tới giảng đường đã khép lại đối với những thí sinh này. Phản biện quan điểm “cứu” những thí sinh này, nhiều ý kiến cho rằng các bạn đã chấp nhận thi vào những trường đó thì cũng phải chấp nhận “luật chơi”, hơn kém nhau 1/2 điểm là trúng – trượt.

Lắng nghe hoặc là đưa ra ý kiến đồng quan điểm “cứu” những thí sinh giỏi trên, hẳn là nhà trường và nhiều người không phải không biết rằng, chỉ tiêu đào tạo được giao luôn dựa   trên năng lực đào tạo của mỗi nhà trường. Đặc biệt, 2 năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã giao hẳn cho các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng đào tạo. Vẫn biết ngành Y tế đang thiếu hụt bác sĩ giỏi trầm trọng, nhưng tăng thêm 150 chỉ tiêu, đào tạo vượt quá năng lực hiện có của mình thì ai dám chắc chất lượng của khóa bác sĩ này sẽ như thế nào khi mà giảng đường thì chật chội, bệnh viện thực hành thì quá tải… Trong khi đó, yêu cầu chất lượng bác sĩ là vấn đề nóng hổi được đặt ra đối với các nhà trường.

Hơn ai hết, những thí sinh giỏi, đăng ký dự thi vào những trường tốp đầu, những ngành “hot” đều biết và hiểu quy luật của trượt – đỗ, mà ranh giới chỉ là 0,25 điểm, và hoàn toàn có thể trượt khi điểm rất cao. Dẫu biết rằng để các em phải trượt nguyện vọng mình yêu thích là điều đáng tiếc, nhưng chấp nhận để các trường tuyển chỉ tiêu ngoài ngân sách ở trường này thì lại gây bức xúc về nguồn tuyển ở trường khác. Có nên không? Để tránh phải “cứu” thí sinh như thế này, dư luận đang đặt câu hỏi: Tại sao các trường này không chủ động lấy điểm trúng tuyển theo sàn vào trường!?

Dư Khương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ